Với câu hỏi "Nhà báo điều tra họ là ai?", chúng ta sẽ khó có thể đưa ra một hình dung cụ thể. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là con đường tạo ra một một bài phóng sự điều tra là cả một quãng đường dài với nhiều công sức, thời gian, mất ăn, mất ngủ trong nhiều ngày liền. Chuyện làm điều tra không chỉ đơn giản là việc đi gặp gỡ nhân vật, tìm hiểu tư liệu mà còn phải biến mình thành nạn nhân bởi chỉ có cách thâm nhập vào tận hang ổ, có được bằng chứng trong tay, phóng sự mới đủ sức thuyết phục người xem.
Loạt bài về tín dụng đen của báo Công an TP.HCM đã đạt Giải B phóng sự điều tra Giải Báo chí quốc gia năm 2018. Từ nhiều năm nay, các nhà báo điều tra luôn được vinh danh trong giải thưởng cao quý này. Tuy nhiên, những giải thưởng không phải là đích đến của một nhà báo điều tra. Đối với những người làm báo, điều quan trọng nhất là đem sự thật đến cho người dân. Trên thực tế, con đường đi đến sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên con đường đó, có những cám dỗ, cạm bẫy và cả hiểm nguy luôn chực chờ.
Nghề báo tạo ra sự thử thách, những thử thách là để kiểm tra lòng dũng cảm và tình yêu nghề. Nhiều nhà báo điều tra ở nước ta đã không ít lần phải nhận những cuộc điện thoại hay tin nhắn dọa giết. Thậm chí, nhiều kẻ manh động đã hành hung khi họ đang đi tác nghiệp. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, năm 2018 trên thế giới có 53 nhà báo bị giết hại do bị trả thù, tăng gấp 2 lần so với những năm trước. LHQ đã xếp phóng viên vào danh sách những công việc nguy hiểm nhất thế giới.
Bài viết thông thường đòi hỏi cẩn thận một, phóng sự điều tra cần gấp 2, gấp 3 lần. Chỉ cần một tích tắc bất cẩn, họ có thể phải trả giá bằng danh dự, uy tín và thậm chí cả tính mạng cho chính bài viết của mình. Do đó, ngoài phẩm chất của một nhà báo chân chính, trong cuộc chiến vì lẽ phải này, người làm điều tra còn cần những sự hỗ trợ khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!