Bệnh kiết lỵ và những điều cần biết

P.V, icon
06:05 ngày 28/04/2018

VTV.vn- Bệnh kiết lỵ là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do Entamoeba histolyca hoặc do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh cần được điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Bình - Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Chuyên khoa II Nội tiêu hóa - Nguyên Trưởng khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Bạch Mai, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết: "Nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ đó là do vi khuẩn shigella gây viêm toàn bộ đại tràng và trực tràng. Bệnh thường lây qua phân. Người thân trong gia đình bị bệnh, đi vệ sinh không rửa tay, lấy thực phẩm cho bé ăn hoặc mua thực phẩm đường phố có nhiễm vi khuẩn shigella".

Bên cạnh đó, trong nhà nuôi chó, mèo, phân chó, mèo cũng chứa vi khuẩn gây bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Trẻ thích chơi với súc vật, sờ vào lông, bò ra nền nhà rồi đưa tay vào miệng…Ruồi nhặng cũng là một trong những trung gian truyền bệnh, dẫn đến bệnh kiết lỵ ở người.

Triệu chứng bệnh kiết lỵ

Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Bình, khi mắc bệnh kiết lỵ người bệnh thường có những triệu chứng như:

Rối loạn đại tiện

Người bệnh thường đi đại tiện rất nhiều lần, mỗi lần ra rất ít phân, thậm chí không có phân, rất khó đại tiện, đau rát hậu môn kèm theo cảm giác đòi hỏi đại tiện một cách bức thiết.

Tính chất của phân

Bệnh kiết lỵ và những điều cần biết - Ảnh 1.

Nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ là do vi khuẩn shigella gây viêm toàn bộ đại tràng và trực tràng.

 Phân thường rất ít, dạng lỏng lẫn với chất nhầy niêm dịch, xuất hiện máu tươi, máu lẫn niêm dịch, bọt và hơi; đôi khi chỉ có máu và niêm dịch không có phân.

Đau và mót rặn

Mỗi lần đi đại tiện người bệnh thường thấy đau quặn từng cơn dọc theo khung đại tràng, đặc biệt là vùng đại tràng, sigma và trực tràng, kèm theo cảm giác đau có phản xạ mót rặn, đau buốt. Sau khi đại tiện thì đau và mót rặn hết,  trong một ngày có rất nhiều cơn, dẫn đến đại tiện nhiều lần.

- Các triệu chứng khác:

Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng như:

+ Sốt nhẹ, có thể không nhưng chủ yếu là đau quặn bụng, mót rặn. Sốt cao nếu là do shigella.

+ Triệu chứng tiêu hoá: tuỳ theo từng nguyên nhân, người bệnh có thể có những dấu hiệu như nôn, sôi bụng, bán tắc ruột…

+ Triệu chứng toàn thân: tuỳ từng nguyên nhân, có thể có dấu hiệu, nhiễm khuẩn, suy mòn…

Phòng ngừa bệnh kiết lỵ

Bệnh kiết lỵ và những điều cần biết - Ảnh 2.

Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là điều vô cùng quan trọng để phòng ngừa bệnh kiết lỵ

Để phòng ngừa bệnh kiết lỵ người bệnh cần:

– Rửa sạch tay trước khi ăn, ăn chín, uống sôi.

– Rửa sạch rau sống, thức ăn cần đậy kỹ tránh ruồi nhặn.

– Vệ sinh môi trường ở sạch sẽ. Ðặc biệt nơi sống tập thể và người phục vụ ăn uống, cấp dưỡng, nuôi dạy trẻ phải sạch sẽ.

– Hạn chế các loại đồ uống có ga, đồ uống chứa cồn…

– Theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục