Khi nào cần cắt amidan cho trẻ?

P.V, icon
05:37 ngày 09/06/2018

VTV.vn - Cắt amidan được bác sĩ chỉ định sau quá trình bệnh lý kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần; amidan phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngưng thở khi ngủ,...

Vai trò của Amidan

Theo bác sĩ Dương Văn Tiến – Trưởng Phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, amidan là tổ chức lympho giúp bảo vệ vùng họng miệng và cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Đây cũng chính là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục bã đậu nhỏ trắng như gạo, rất hôi, đọng lại trong những hốc trên amidan, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm họng amidan khác.

Khi nào cần cắt amidan cho trẻ? - Ảnh 1.

Cắt amidan sẽ được bác sĩ Tai – Mũi – Họng đề cập sau quá trình bệnh lý kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần, có nguy cơ gây biến chứng; amdian phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngừng thở khi ngủ,...

Khi nào cần cắt amidan cho trẻ ?

Cũng theo bác sĩ Dương Văn Tiến, cắt amidan sẽ chỉ được bác sĩ tai mũi họng đề cập sau quá trình bệnh lý kéo dài, bao gồm viêm amidan mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, gây biến chứng gần và xa; amidan phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, ngừng thở khi ngủ…

Trên thực tế, ngay cả khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ và chỉ định cắt amidan cho trẻ vì không có lựa chọn nào khác, một số phụ huynh vẫn tỏ ra khá dè dặt, không cho con phẫu thuật vì e ngại khả năng miễn dịch của trẻ giảm sút sau can thiệp. Tuy nhiên cần hiểu rằng amidan bị viêm nhiễm kéo dài và quá phát không những không thể duy trì chức năng miễn dịch của mình mà còn dẫn tới nhiều rắc rối khác.

Khi nào cần cắt amidan cho trẻ? - Ảnh 2.

Bác sĩ Dương Văn Tiến – Trưởng Phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc phẫu thuật cắt amidan bằng dao plasma

Viêm amidan có thể lớn đến mức gây cản trở việc thở của trẻ, khiến trẻ phải thở bằng miệng, ngủ ngáy, thậm chí ngừng thở khi ngủ. Thiếu oxy não thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng học tập cũng như hành vi của trẻ. Amidan quá lớn cũng gây ảnh hưởng lớn tới khứu giác và vị giác của các bé.

Ngoài ra, amidan bị viêm thường xuyên sẽ là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó chúng có thể tấn công các cơ quan khác như mũi họng, xoang, tai, thanh khí phế quản, tim, thận…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục