Viêm da dị ứng ở trẻ - Chớ coi thường

Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, icon
05:10 ngày 27/03/2018

VTV.vn - Viêm da dị ứng là bệnh lý phổ biến gặp ở trẻ, khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu. Cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về bệnh để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Biểu hiện của bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em

Trẻ nhỏ bị viêm da dị ứng thường có các biểu hiện sau:

- Giai đoạn cấp tính: Các mụn nước tập trung thành từng đám trên nền da đỏ, phù nề, chảy nước, ngứa nhiều.

Viêm da dị ứng ở trẻ - Chớ coi thường - Ảnh 1.

Điều trị và phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ em là rất cần thiết.

- Giai đoạn bán cấp: thương tổn da ít phù hơn, bắt đầu khô và ngứa ít.

- Giai đoạn mạn tính: da dày, bong vảy, lichen hóa, vẫn còn ngứa.

Nếu bị bội nhiễm thì xuất hiện thêm các mụn mủ, đau, rát, có thể loét… Vị trí thương tổn hay gặp nhất là ở má, trán, cằm. Trường hợp nặng, thương tổn lan ra tay, chân, mình.

Ở trẻ lớn: Thương tổn cơ bản là các sẩn màu nâu tập trung trên nền da dày, rất ngứa. Vị trí hay gặp nhất là các nếp gấp như vùng khoeo chân, khuỷu tay, cổ, nách…

Viêm da dị ứng ở trẻ - Chớ coi thường - Ảnh 2.

Bôi thuốc ngay sau khi tắm và lau khô nhằm giữ cho da có độ ẩm cần thiết

Điều trị cho trẻ khi bị viêm da dị ứng

- Dùng kem, thuốc làm ẩm loại chuyên cho trẻ nhỏ: Các dạng dung dịch, dầu, kem hoặc thuốc mỡ có tác dụng giữ ẩm cần dùng theo chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Bôi thuốc ngay sau khi tắm và lau khô nhằm giữ cho da có độ ẩm cần thiết. Trong đó, thuốc dạng mỡ là lựa chọn phổ biến và phù hợp khi vào mùa khô hanh. Loại thuốc này có ít thành phần phụ nhất, lại có khả năng kết dính tốt. Vào mùa nóng nực, có thể dùng loại thuốc dạng dung dịch, dầu.

- Ngăn chặn tình trạng ngứa và kích ứng da trẻ: Đưa trẻ đi khám sớm khi thấy có các biểu hiện viêm da dị ứng. Chỉ bôi thuốc kháng viêm, kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Để đạt hiệu quả điều trị của thuốc, cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và cách dùng, không pha trộn hay bôi cùng lúc với chất làm ẩm. Nếu trẻ bị sốt, ngứa nhiều,ngủ không ngon giấc, hay thức giữa ban đêm, tổn thương trên da đỏ hơn, lan rộng và chảy máu, có mủ, đóng vảy vàng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay. Đặc biệt, nếu tình trạng viêm da dị ứng không có dấu hiệu được cải thiện sau 1 tuần, trẻ cũng cần được đến chuyên khoa tại bệnh viện để điều trị kịp thời.

- Chăm sóc tại nhà: tắm cho trẻ hàng ngày, lau mặt bằng mềm và nước ấm. Vùng da nào bị tổn thương nặng nên ngâm trong nước ấm 5 - 10 phút. Lau khô nhanh và bôi ngay chất làm ẩm (loại an toàn) để ngăn tình trạng khô da. Cha mẹ có thể cho trẻ ngâm da 1 - 3 lần/ngày tùy mức độ bệnh.

Viêm da dị ứng ở trẻ - Chớ coi thường - Ảnh 3.

Đưa trẻ đi khám sớm khi thấy có các biểu hiện viêm da dị ứng

Cách phòng ngừa viêm da dị ứng cho em

Cha mẹ trẻ cần nắm rõ các biện pháp giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em sau đây:

Luôn giữ vệ sinh cẩn thận làn da của trẻ, chủ yếu vệ sinh bằng nước sạch, hoặc các loại nguyên liệu tự nhiên lành tính. Cũng có thể sử dụng một số loại sữa tắm dành riêng cho trẻ nhỏ với các thành phần phù hợp. Người chăm sóc trẻ cũng cần vệ sinh cơ thể nhất là vùng bàn tay thật sạch sẽ.

Cho trẻ uống đủ nước tránh cơ thể thiếu nước gây khô da.

Tránh sử dụng và lạm dụng các loại thuốc bôi da nếu không thực sự cần thiết.

Giữ cơ thể và da trẻ khô ráo, thoáng mát, tránh để tình trạng ẩm ướt.

Tạo cho trẻ luôn ngủ ngon giấc, đủ giấc, đúng giờ, tránh căng thẳng, quấy khóc, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da.

Quần áo, đồ dùng của trẻ phải luôn được sạch sẽ, chất liệu mềm mịn, thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.

Tránh cho trẻ ở gần và tiếp xúc với động vật hay các đồ vật không đảm bảo vệ sinh, đồ vật dễ gây dị ứng (thú nhồi bông, chổi lông, áo lông, áo len, đồ bằng len dạ..)..

Cùng chuyên mục