Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: 15 ca tử vong do sốt xuất huyết chủ yếu do nhập viện muộn

P.V, icon
05:17 ngày 25/11/2022

VTV.vn - Các bệnh nhân tử vong có độ tuổi từ 13-82 tuổi, đáng chú ý, 50% bệnh nhân tử vong có biểu hiện nặng vào ngày thứ 3-5 của bệnh.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ tháng 5/2022 đến nay, có 15 ca sốt xuất huyết tử vong, đa số do bệnh nhân nhập viện muộn không thể cứu chữa, trong đó có 4 ca ngưng tim.

Trường hợp tử vong mới nhất là một bệnh nhân nữ (22 tuổi), có dấu hiệu thừa cân, được chuyển từ tuyến dưới lên. Bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc mất bù, xuất huyết, thiếu máu nặng nề, ngưng tim... không đáp ứng với mọi biện pháp điều trị. Trước đó, bệnh nhân đã ngưng tim một lần trước khi chuyển tuyến.

Chia sẻ tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022 diễn ra ngày 25/11, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Năm nay, diễn biến dịch sốt xuất huyết có sự khác biệt với nhiều ca bệnh đi vào sốc nhiễm trùng sớm từ ngày thứ 3 - 5 (trong khi mọi năm thường là ngày 5 - 7). Hiện tại, 2 cơ sở Giải Phóng và Kim Chung của bệnh viện đang điều trị cho hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10-20 bệnh nhân nặng nhập viện điều trị.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhấn mạnh: Nhiều bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn giảm tiểu cầu nặng và tử vong nhanh chóng. Do đó, có thể cần thay đổi khái niệm về bệnh để người dân vào viện sớm hơn khi có sốt, không phải cứ đợi đến khi có xuất huyết thì bệnh mới nặng.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay tại trung tâm cũng tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng, số ca tử vong nhiều.

"Chúng ta vẫn quen gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue, điều này rất dễ gây nhầm lẫn cho người dân vì họ nghĩ phải có xuất huyết thì mới là bệnh sốt xuất huyết. Trên thực tế, bệnh nhân có xét nghiệm tiểu cầu dưới 10 G/L vẫn không thấy xuất huyết ở vị trí nào cả nhưng lại đi vào sốc rất nhanh" - PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay.

Còn theo bác sĩ Phúc, người mắc bệnh sốt xuất huyết cần phải có sự chỉ dẫn, giám sát của bác sĩ vì một khi bệnh diễn biến nặng thì sẽ rơi vào sốc, tử vong rất nhanh, tính bằng giờ bằng phút... Người dân nếu điều trị sốt xuất huyết tại nhà phải theo dõi sát sao, khi thấy có các dấu hiệu như: mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… cần nhập viện gấp để được các bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm chính xác tình trạng bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục