Bí quyết giúp mẹ bầu vượt cạn dễ dàng

Linh Chi, icon
09:02 ngày 08/01/2019

VTV.vn - Sản phụ hãy chuẩn bị tinh thần, cùng những kiến thức nhất định về ba giai đoạn chuyển dạ, sinh nở, xổ nhau thai để đón bé yêu chào đời theo cách êm ái nhất.

Hình minh họa.

Chuyển dạ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City, đến những tuần cuối thai kỳ, nếu cơ thể xuất hiện những cơ gò cứng tử cung trong ngày giai đoạn đầu của chuyển dạ thì đây là dấu hiệu báo trước người mẹ sắp tới ngày chuyển dạ sinh con. Chuyển dạ là quá trình đầu tiên của cơn đau đẻ và có thể kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày.

Ở giai đoạn sớm, mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm nhận những cơn co thắt giống như đau bụng kỳ kinh, có thể sẽ không muốn ăn uống, chỉ cảm thấy hơi khó chịu. Những cơn chuyển dạ "giả" thường xuất hiện vào cuối thai kỳ, có thể xảy ra một tháng hoặc một ngày trước khi sinh em bé. Không giống như chuyển dạ thực sự, chuyển dạ giả sẽ không làm cổ tử cung giãn mở.

Tuy nhiên khi bắt đầu vào giai đoạn chuyển dạ tích cực, những cơn co thắt xuất hiện tăng dần, mạnh hơn. Ban đầu, cổ tử cung giãn chỉ khoảng 4 - 7 cm với cơn co thắt kéo dài khoảng 40 giây và 10 phút xuất hiện một lần. Ở giai đoạn về sau, cổ tử cung nở rộng 8 - 10 cm và co thắt kéo dài hơn 1 phút, xuất hiện liên tục 30 giây tới 2 - 3 phút một lần. Cơ thể sản phụ lúc này sẽ bị run rẩy, buồn nôn, mệt mỏi với hiện tượng nóng rát hoặc ngứa ở vùng âm đạo.

Trong giai đoạn đầu của chuyển dạ hoặc sớm hơn, thai phụ có thể sẽ gặp phải tình trạng vỡ nước ối. Một lượng khí hư đặc có lẫn máu sẽ chảy ra ngoài trong giai đoạn này để "báo hiệu" cho cuộc "vượt cạn" sắp tới. Tuy vậy, không phải mọi phụ nữ đều bị vỡ nước ối trong giai đoạn chuyển dạ, nó cũng có thể sẽ thoát ra ngoài một cách tự nhiên thời điểm sau đó.

Sinh con

Những cơn co thắt dồn dập bắt đầu giãn ra một chút để tạo cơ hội cho dồn sức bước vào cuộc sinh nở. Giai đoạn này có thể kéo dài khoảng hai tiếng ở những sản phụ sinh con lần đầu. Khi cổ tử cung giãn nở hoàn toàn khoảng 10cm, sản phụ sẽ cảm thấy đau dữ dội ở vùng đáy xương chậu và âm đạo do thai nhi đang di chuyển xuống dưới một cách nhanh chóng.

Qua từng cơn co thắt, lực ép lên tử cung kết hợp lực ép trên cơ bụng, quá trình rặn đẻ sẽ làm thai nhi di chuyển xuống dưới qua đường sinh. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở tầng sinh môn để bé chào đời một cách dễ dàng hơn.

Khi đầu bé lọt qua ngoài, bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ ngừng rặn thay vào đó là thở nhanh và đều đặn, lấy sức để "đẩy" nốt phần vai, cơ thể của bé ra ngoài.

Xổ nhau sau sinh

Việc xổ nhau tự nhiên có thể kéo dài trong khoảng một giờ hoặc chỉ mất khoảng 5 -15 phút nếu được tiêm hỗ trợ oxytocin, dùng để đề phòng chảy máu sau khi sinh và xổ nhau. Những cơn co thắt tử cung sẽ lại xuất hiện nhưng sẽ nhẹ nhàng hơn như trong giai đoạn chuyển dạ để đẩy nốt nhau thai xuống dưới, ra ngoài âm đạo.

Thông thường, thai phụ đang ở những tuần cuối thai kỳ và thường xuyên thấy đau lưng, tử cung co cứng liên tục, dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn thì nên chuẩn bị tinh thần vì có thể chuyển dạ sinh con bất kỳ thời điểm nào sau đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục