Bị ung thư, đừng đụng dao kéo?!

Theo Người Lao Động, icon
03:10 ngày 29/12/2017

VTV.vn - Gần đây trên mạng xã hội có xuất hiện thông tin rằng ung thư không nên đụng đến dao kéo. Thông tin này liệu có cơ sở khoa học?

Trần Văn Quân (35 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) hỏi: Mẹ tôi năm nay 64 tuổi, mới phát hiện bị ung thư dạ dày. Hiện bà đang được điều trị ở một bệnh viện trung ương. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy mẹ tôi được bạn bè mách các phương pháp điều trị như: thiên tiên dịch, aslem, cúng bái… Gia đình tôi cũng lên mạng tìm hiểu và thấy có nhiều ý kiến nói rằng: "Ung thư đừng vội phẫu thuật", hay bỏ đói chính mình để khối u bị "đói" mà chết. Vậy gia đình có nên để mẹ tôi áp dụng các biện pháp trên để chữa ung thư hay không?

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, trả lời: Đúng là gần đây trên mạng xã hội có xuất hiện thông tin rằng "Đừng điều trị nếu bị ung thư"; "Ung thư đừng vội phẫu thuật", hay "Liệu pháp bỏ mặc tế bào phát triển trong điều trị ung thư"... Tuy nhiên, theo tôi đấy đều những phát biểu không có cơ sở khoa học, đi ngược lại nền tri thức khoa học y học đã được nghiên cứu, tổng kết và kiểm chứng qua hàng trăm năm. Tại Việt Nam, đã có một thời gian cũng qua các phương tiện không chính thống, nhiều bệnh nhân ung thư bỏ dở điều trị để điều trị không chính thống như thiên tiên dịch, cúng bái, aslem…Khi quay lại điều trị tại bệnh viện thì bệnh đã quá khả năng cứu chữa vì họ đã bỏ qua "thời gian vàng". Tôi xin nhấn mạnh bệnh ung thư nói riêng và bệnh tật nói chung nếu được phát hiện càng sớm thì chữa trị càng hiệu quả.

Phẫu thuật có một số biến chứng nhất định nhưng rất hãn hữu, đặc biệt là tử vong do phẫu thuật. So với lợi ích và hiệu quả điều trị mang lại thì các nguy cơ này là rất nhỏ và chấp nhận được. Còn quan điểm dân gian đụng dao kéo ung thư phát tán càng nhanh là quan điểm sai lầm kinh điển nhất mà chúng tôi đã giải thích, đề cập nhiều lần. Có thể dân gian thấy rằng một số ít trường hợp sau phẫu thuật bệnh vẫn tiến triển nhanh nên khái quát thành kinh nghiệm chung. Trên thực tế, bệnh bùng phát nhanh sau phẫu thuật có thể do đặc điểm bệnh ác tính, phẫu thuật không kiểm soát được hoặc có một tỉ lệ rất nhỏ thầy thuốc đánh giá giai đoạn bệnh thiếu toàn diện trước mổ. Tôi mong mẹ anh và gia đình anh sẽ có quyết định đúng đắn trong việc chữa trị và chiến thắng căn bệnh ung thư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục