Cách phân biệt biểu hiện tăng động và sự hiếu động ở trẻ

Nguyệt Ánh, icon
06:15 ngày 04/09/2014

Số trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý ngày càng có dấu hiệu gia tăng tại khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thực tế, rối loạn tăng động giảm chú ý lúc mới bị rất khó phân biệt với sự hiếu động, nhất là với bé trai. Phần lớn là khi các bé mắc một thời gian mới có biểu hiện rõ rệt và mới được bố mẹ đưa đi khám.

Rối loạn tăng động giảm chú ý có ba loại: nổi trội tăng động hoặc giảm tập trung chú ý hoặc thể kết hợp cả tăng động và giảm chú ý.

Chị H. (Hà Nội) thấy con trai lúc 4 tuổi có biểu hiện nghịch ngợm quá mức nên chị đã cho con đi kiểm tra nhưng lúc đó vẫn được xác định là phát triển bình thường. Đến khi đi học, bé hay quậy phá, luôn cử động chân tay, ngồi không yên, không tập trung, thiếu kiên trì, dễ nổi cáu lại hay nói leo và ít nghe theo hướng dẫn, hay làm mất hoặc hỏng đồ dùng… Những biểu hiện này ảnh hưởng đến cả học tập và sinh hoạt của bé.

Theo Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, giữa tăng động và hiếu động có cùng biểu hiện nhưng về bản chất hai hiện tượng này hoàn toàn khác nhau.

Trẻ hiếu động chứng tỏ khỏe mạnh về thể chất và phát triển các kỹ năng vận động tốt.

Còn trẻ tăng động chỉ hành động theo ý thích cá nhân, không hề quan tâm đến môi trường xung quanh, tiếp thu lệch lạc và có hiện tượng khó diễn đạt về ngôn ngữ.

Do đó, điều quan trọng, bố mẹ cần nhận biết rõ về những biểu hiện tăng động ở trẻ. Khi trẻ có biểu hiện mắc, cần điều chỉnh môi trường sống và đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được đánh giá và tư vấn kịp thời.

Cùng chuyên mục