Cách sơ cứu an toàn vết đứt, trầy xước

Nguyệt Ánh, Thanh Long (Ban Thời sự), icon
06:00 ngày 01/04/2016

VTV.vn - Bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra các hướng dẫn về cách sơ cứu hiệu quả và an toàn những vết đứt, trầy xước trên cơ thể.

Trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, khó có thể tránh khỏi những lần bị đứt tay, trầy xước hay rách da gây chảy máu. Với những vết thương ngoài da như vậy, nếu không xử trí đúng cách có thể gây ra phiền toái, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sỹ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, bệnh viện bạch Mai - cho biết: “Trước khi tiến hành sơ cứu, cần rửa sạch vết đứt, trầy xước bằng xà phòng, cầm máu bằng vài mềm sạch, ép liên tục lên vết xước ít nhất 20 - 30 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng nước sạch. Nếu vết xước có dị vật ở bên trong, có thể dùng nhíp đã sát khuẩn bằng cồn để gắp dị vật ra ngoài.

Trong trường hợp xung quanh vết xước có nhiều bụi, đất bẩn, có thể dùng khăn có xà phòng để rửa xung quanh nhưng không chạm vào vết xước. Sau khi làm sạch, sử dụng kem kháng sinh bôi lên vết xước nhằm giữ ẩm vết thương và dự phòng nhiễm trùng; băng vết xước bằng băng gạc sạch. Nếu vết xước sâu, chảy máu nhiều hoặc bị lộ lớp cơ, lớp mỡ, nhất thiết phải khâu miệng vết thương.

Sau một vài ngày kể từ khi sơ cứu, nếu vết xước bị sưng tấy, bệnh nhân bị sốt, vết thương đã bị nhiễm trùng, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế. Đối với các vết xước do dị vật bẩn hoặc vết xước bị bẩn, cần thực hiện tiêm huyết thanh chống uốn ván hoặc tiêm vaccine phòng uốn ván”.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục