Cần làm gì để tránh lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ?

Văn Thành, icon
08:00 ngày 14/07/2020

VTV.vn - Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh ở mắt thường gặp và dễ lây lan, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng phải điều trị dài ngày gây bất tiện trong sinh hoạt, công việc.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), đau mắt đỏ do rất nhiều nguyên nhân như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các kích thích (gió bụi, tia tử ngoại…). Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) có thể phát triển thành dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do virus hay gặp là Adeno virus.

Thời gian ủ bệnh từ khi bị nhiễm đến khi xuất hiện bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài 3 - 5 ngày. Người bệnh thường sẽ thấy mắt ngứa, cộm, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều tiết tố ở mắt. Đôi khi vào sáng ngủ dậy, tiết tố viêm làm cho hai mi dính chặt lại nên người bệnh rất khó mở mắt. Người bệnh thấy nhìn khó nhưng thị lực thường không giảm (trừ khi có biến chứng viêm giác mạc).

Bên cạnh đó, mi mắt sưng nề, mạch máu kết mạc bị cương tụ làm cho mắt đỏ, kết mạc có thể phù nề, có thể xuất huyết dưới kết mạc. Kết mạc mi có thể có giả mạc che phủ, kết mạc mi có tổn thương nhú hột.

Trường hợp nặng dẫn đến biến chứng có thể gây tổn thương giác mạc làm cho giác mạc bị mờ đục khi đó thị lực của người bệnh giảm rất nhiều. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ có sưng hạch góc hàm hoặc sau tai, họng đỏ, amidan sưng to, có nốt phỏng ở ngoài da mi và mặt.

Nếu người bệnh được điều trị sớm và đúng phương pháp, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 1 - 2 tuần và không để lại di chứng gì.

Đau mắt đỏ thường lây từ người này sang người khác qua nước mắt và tiết tố. Bệnh lây qua vật dụng sinh hoạt như dùng chung khăn mặt, chậu rửa. Người bệnh dụi mắt và cầm nắm các đồ vật và sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó nên bệnh đau mắt đỏ hay gặp ở những người cùng gia đình, các nhà trẻ, bể bơi, một số nơi do vệ sinh kém hoặc có thể qua vật trung gian là ruồi.

Ở người bị đau mắt đỏ, trong nước mắt có chứa rất nhiều yếu tố gây bệnh, khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi yếu tố gây bệnh sẽ theo nước giọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác đây là con đường chính lây bệnh ở cộng đồng.

Nếu một người trong nhà bị đau mắt đỏ thì việc lây cho người thân là rất phổ biến và khó tránh nên chỉ có thể làm một số biện pháp để hạn chế lây sang người khác như:

- Phát hiện sớm và dùng thuốc kịp thời là cách để điều trị đau mắt đỏ nhanh nhất, hạn chế lây sang người khác. Người bệnh không nên tự mua thuốc về dùng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa, có một số bệnh về mắt nguy hiểm khác (viêm màng bồ đào, glôcôm, viêm loét giác mạc…) cũng có triệu chứng gần giống như viêm kết mạc cấp nên người bệnh có thể bị nhầm lẫn, làm chậm trễ quá trình điều trị.

- Người bệnh nên giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhất là trước khi dùng các vật dụng chung. Nên dùng riêng các vật dụng cá nhân, ngay cả thức ăn và vật dụng chứa thức ăn.

- Đeo kính râm, khẩu trang để giảm thiểu việc lây bệnh cho người xung quanh.

- Người bệnh không nên đến chỗ đông người (trẻ em nên cho nghỉ học, không đến bể bơi khi đang mắc bệnh).

- Không nên dụi tay lên mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý và tra thuốc mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh những nơi khói bụi, hạn chế xem ti vi, sử dụng máy tính trong thời gian điều trị.

- Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin, tăng sức đề kháng như: nước cam, nước chanh, sữa chua…

Đối với người chưa bị nhiễm bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn. Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có gỉ mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục