Cô gái ân hận vì chủ quan với sức khỏe của đôi mắt

Linh Chi, icon
09:18 ngày 16/04/2021

VTV.vn - Cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân nữ, 29 tuổi, ở Hà Nội thấy mắt bên trái có nổi hạt ở góc trong, kèm theo cộm, vướng, đỏ mắt nhưng không đau nên chủ quan không đi khám.

Mắt bệnh nhân trước phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Khoảng 2 tuần gần đây, xuất hiện triệu chứng mắt trái cộm nhiều hơn, hay kích thích kèm theo 2 mắt nhìn mờ qua kính nên bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.

Qua quá trình thăm khám chuyên sâu, kết quả cho thấy kết mạc 2 mắt bệnh nhân bị xơ hóa kèm rối loạn điều tiết, cận thi, đặc biệt mắt phải mộng thịt góc trong độ 2.

Bệnh nhân được bác sĩ cấp đơn kính nhìn xa và chỉ định phẫu thuật mộng mắt trái, có ghép kết mạc tự thân.

Hiện tại, sau phẫu thuật tình hình mắt của bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi định kỳ.

ThS.BS Đoàn Thu Hiền - Chuyên khoa Mắt cho biết: Mộng thịt (Pterygium) là một trong những bệnh về mắt phổ biến tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, xảy ra khi kết mạc phát triển một mô mỏng bao phủ phần tròng trắng của mắt. Nếu để bệnh tiến triển nặng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể gây viêm nhiễm, giảm thị lực của mắt.

Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và được phân thành 4 giai đoạn:

Mộng thịt độ I: Mộng mới đến rìa giác mạc;

Mộng thịt độ II: Mộng vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử;

Mộng thịt độ III: Mộng đã lan đến bờ đồng từ;

Mộng thịt độ IV: Mộng đã qua bờ đồng tử.

Nguyên nhân gây mộng thịt đến nay vẫn chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên, ThS.BS Đoàn Thu Hiền cũng lưu ý các yếu tố tác động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: Sống tại khu vực có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm; Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; Các chất gây kích ứng mắt như bụi, gió, phấn hoa và khói có thể gây khô mắt.

Theo bác sĩ Hiền, bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt bởi sự tăng trưởng khối mộng có thể lan truyền chậm trong suốt cuộc đời hoặc dừng lại sau một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, mộng thịt có thể che phủ đồng tử của người bệnh và gây ra các vấn đề về thị lực.

Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà cần khám chuyên khoa mắt để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn các cách điều trị kịp thời đặc biệt là khi thấy mắt có các dấu hiệu: mắt hay bị kích thích, lắng đọng nước; có hiện tượng đỏ, mờ, ngứa mắt; mắt bị khô và khó chịu như có vật lạ trong mắt; nếu màng của mộng thịt tăng trưởng đi vào giác mạc (vùng đồng tử của mắt), có thể thay đổi hình dạng và gây ra mờ mắt hoặc nhìn đôi.

Để phòng tránh mộng thịt phát triển trong mắt, bác sĩ Hiền khuyến cáo người dân có thể tự bảo vệ mắt của mình như sau:

Đeo kính râm mỗi ngày kể cả khi thời tiết u ám. Nên chọn kính ngăn chặn cả bức xạ tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB).

Đội mũ rộng vành bảo vệ mắt khỏi tia UV.

Sử dụng nước mắt nhân tạo giữ ẩm cho mắt ở vùng khí hậu khô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục