Có thể nhiễm uốn ván từ một trầy vết xước nhỏ

Ban Thời sự, icon
05:17 ngày 09/05/2017

VTV.vn - Khoa cấp cứu - Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, hiện đang điều trị cho hơn 20 trường hợp mắc uốn ván nặng, tăng mạnh so với vài năm trước.

Nhập viện trong tình trạng mê man, co giật, tay chân co cứng, em anh Nam (quận Thủ Đức, TP.hCM) được các bác sĩ xác định mắc uốn ván thể nặng, có biểu hiện rối loạn thần kinh phải mở khí quản hỗ trợ thở máy và phải điều trị cách ly tích cực. Hơn 1 tuần điều trị nhưng tiên lượng vẫn dè dặt.

Khoa cấp cứu - Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, hiện đang điều trị cho hơn 20 trường hợp mắc uốn ván nặng, tăng mạnh so với vài năm trước. Hầu hết, bệnh nhân chủ quan xử lý tại nhà khi bị những thương tích nhỏ do tai nạn giao thông hoặc trong lao động.

"Hầu hết các bệnh nhân bị uốn ván đưa vào bệnh viện đều chưa tiêm ngừa nên bệnh mới nặng như vậy. Biến chứng nguy hiểm nhất của uốn ván là gây suy hô hấp, gây tử vong sớm, hoặc biến chứng muộn hơn là trụy tim mạch, rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến tử vong" - bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, cho biết.

Khác với các bệnh có vaccine phòng ngừa khác, vaccine uốn ván không có khả năng miễn dịch bền vững, người đã mắc uốn ván vẫn có khả năng mắc lại nhiều lần. Vì vậy, khi bị những vết trầy xước dù nhỏ người dân cũng nên đến cơ sở y tế tiêm vaccine uốn ván trong vòng 24h để tránh biến chứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục