Đắk Lắk có 3 ca tử vong do bệnh dại

Mỹ Hạnh, icon
09:03 ngày 19/04/2021

VTV.vn - Trong 3 tháng đầu năm 2021, tỉnh Đắk Lắk có 3 ca mắc dại và tử vong.

Quản lý và tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó là biện pháp cần thiết.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn có bệnh nhân tử vong do chó dại cắn. Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thống kê của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, từ năm 2016 đến nay, năm nào cũng có những trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại. Mỗi năm trung bình từ 5 đến 6 ca, đặc biệt, trong năm 2020 có 7 ca. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 đã có 3 ca mắc dại và tử vong, tập trung ở các địa bàn có yếu tố bệnh dại như: huyện MĐ’Rắk, huyện Ea H’Leo, huyện Krông Buk và huyện Krông Bông.

Theo bác sĩ Lê Phúc, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người thường gặp do chó, mèo cắn, cào. Virus dại xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 3 tháng, thậm chí có khi cả năm mới phát bệnh. Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu, như: sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu…

Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích, như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió và sợ nước… Bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hô, hạ huyết áp và tử vong. Ngoài ra, trong cơn dại có nhiều thể, thể bại liệt thì bệnh nhân liệt hoàn toàn hoặc có thể hung dữ.

Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, khi đã bị chó cắn, không biết chó đó có bị dại hay không, động thái đầu tiên bắt buộc là phải rửa vết thương. Nhưng phải rửa đúng cách, không tác động bàn tay vào vết thương. Cần dội vết thương, cho xà phòng vào vết thương và xối rửa sạch thì virus dại sẽ trôi bớt đi và việc làm này càng sớm, càng tốt. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng dại.

Hiện nay, vaccine phòng dại đã được cải tiến, vaccine được sử dụng hiện nay là loại bất hoạt, được bào chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng được kiểm định nên người tiêm sẽ không có những phản ứng phụ như vaccine thế hệ cũ. Do đó, người dân cần tiêm phòng vaccine dại khi bị chó, mèo cắn, cào để có miễn dịch tốt và không lên cơn dại khi bị chó dại cắn.

Để phòng, chống bệnh dại, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo: Người dân cần hạn chế tiếp xúc với chó, mèo. Vật nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ. Khi bị chó mèo liếm, cắn gây thương tích, cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng dại. Những vết thương ở đầu, cổ, mặt, bộ phận sinh dục thì vừa tiêm vaccine vừa tiêm huyết thanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục