Dấu hiệu và biện pháp phòng chống bệnh thiếu máu

Minh Thư, Lan Anh (Ban Thời sự), icon
05:00 ngày 27/05/2017

VTV.vn - Dưới đây là tư vấn của chuyên gia y tế về dấu hiệu cũng như các biện pháp phòng chống bệnh thiếu máu.

Hiện tỉ lệ người mắc bệnh thiếu máu ở nước ta còn rất cao, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế còn khó khăn, bữa ăn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu thức ăn giàu chất sắt. Ngoài ra, những trường hợp nhiễm ký sinh trùng như: nhiễm giun móc, sốt rét cũng gây bệnh thiếu máu. Bệnh này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất, trí tuệ ở trẻ em và nhiều biến chứng nguy hiểm khác ở phụ nữ có thai.

Dấu hiệu nhận biết:

Người bị thiếu máu thường mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, da xanh xao, niêm mạc mắt, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt... Đối với trẻ nhỏ, tùy theo mức độ bệnh, có thể có các biểu hiện: mệt mỏi, quấy khóc, vật vã, ngủ ít, biếng ăn, chậm tăng cân, gầy ốm…

Để chẩn đoán chính xác bệnh thiếu máu, người bệnh cần đi khám và làm các xét nghiệm huyết học.

Phòng chống bệnh thiếu máu:

- Uống bổ sung viên sắt, axit folic, Vitamin B12...

- Lựa chọn thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn gia đình như: các loại ốc, các loại thịt (thịt bò, lợn, gan lợn, tiết lợn), cá ngừ, lòng đỏ trứng, các loại rau (rau dền, rau ngót, rau muống...) và các loại đậu.

- Sau bữa ăn nên dùng thêm trái cây tươi giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo, sơ ri, đu đủ, chuối... ) để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.

- Không nên uống nước trà quá đặc gần bữa ăn, chỉ uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu sắt.

- Cần đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà ở. Đó cũng là cách phòng tránh nhiễm ký sinh trùng như: giun sán, sốt rét... gây bệnh thiếu máu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục