Dậy thì sớm ở trẻ em và những điều cần lưu ý

Linh Chi, icon
06:49 ngày 20/05/2020

VTV.vn - Dậy thì sớm ở trẻ hiện đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm còn có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Vương Minh Nguyệt - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn, bao gồm sự phát triển về hình thể và sự hoàn thiện của cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, ngày nay trẻ có xu hướng dậy thì sớm hơn rất nhiều.

Dậy thì sớm là sự xuất hiện tình trạng phát triển về thể chất và hormone của tuổi dậy thì so với lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi ở trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai). Do sự hoạt hóa trung tâm dậy thì, gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục.

Theo một số nghiên cứu, yếu tố có thể ảnh hưởng đến dậy thì sớm như: Béo phì; yếu tố gia đình- bố mẹ dậy thì sớm thì con có nguy cơ cao dậy thì sớm; yếu tố môi trường, chủng tộc, thói quen xem các phim của người lớn tác động lên hệ thần kinh trung ương có thể kích hoạt hormone hướng sinh dục vùng dưới đồi làm khởi phát dậy thì sớm.

Ở bé gái, các triệu chứng dậy thì sớm gồm: Vú to, ra dịch âm đạo, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt

Ở bé trai: Tinh hoàn to (trên 4ml), dương vật dài, thay đổi giọng nói ở bé trai, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, mụn trứng cá, giọng trầm đi

Sự phát triển chiều cao cân nặng có thể nhận thấy ở cả hai giới. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh bắt đầu sớm và thường cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm sẽ ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.

Xu hướng dậy thì sớm ngày càng tăng trên thế giới. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám, đánh giá và làm thêm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp x quang tuổi xương, MRI sọ não... để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Có một số ít trường hợp là dậy thì bệnh lý cần phải điều trị kịp thời. Những trường hợp còn lại cần điều trị kìm hãm để đạt chiều cao tối đa lúc trưởng thành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục