Hơn 70% người bệnh đái tháo đường chưa được quản lý

Linh Chi, icon
09:32 ngày 12/11/2018

VTV.vn - Đái tháo đường là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Tầm soát, phát hiện sớm đái tháo đường.

Theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, năm 2017 số người mắc đái tháo đường đã lên tới 415 triệu người. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới trên 600 triệu người. Hiện nay, có hơn 199 triệu phụ nữ mắc đái tháo đường trên thế giới, con số này dự kiến sẽ tăng lên 313 triệu vào năm 2040. Có khoảng 10-15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân đái tháo đường.

Ước tính, số người tử vong do đái tháo đường và biến chứng đái tháo đường năm nay sẽ là 4 triệu. Cứ 6 giây có 1 người tử vong liên quan đến bệnh đái tháo đường; 20 giây có một người bị cắt cụt chi liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy: hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 70% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường…

Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, người mắc đái tháo đường có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Trước tình trạng gia tăng của bệnh đái tháo đường, Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã nỗ lực để đưa các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường quản lý tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, cả nước mới chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, Chủ tịch Trung ương Hội người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc giáo dục nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh đái tháo đường sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Với người chưa có yếu tố nguy cơ gây bệnh thì họ biết cách phòng chống các yếu tố nguy cơ, cụ thể là biết cách ăn uống khoa học điều độ; biết cách luyện tập đúng mức; biết loại bỏ các stress ra khỏi cuộc sống; với người có yếu tố nguy cơ họ sẽ biết làm thế nào để bệnh không diễn biến tới đái tháo đường tuýp 2; với người đã mắc bệnh họ sẽ biết cách giữ gìn, kéo dài thời gian ổn định, hạn chế mức tối đa biến chứng của đái tháo đường...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục