Khối u vú lở loét, chảy máu... mới cầu cứu bác sĩ

Lê Thạch, icon
05:58 ngày 29/06/2020

VTV.vn - Phát hiện u vú từ năm 2016, sau 4 năm, người phụ 55 tuổi phát hiện khối u ngày một to, lở loét, chảy máu, gây bất tiện trong sinh hoạt.

Ngực phì đại nhiều năm, chị Trần Thị L. (55 tuổi, trú tại Nam Định) phải sống chung với khối u ở vú phải, kích thước 20 x 25cm trong một khoảng thời gian dài.

Năm 2016 chị L. đã đến Bệnh viện K khám và được chẩn đoán u phyllode vú phải, sau đó các bác sĩ đã phẫu thuật cắt tuyến vú phải và đưa ra chỉ định xạ trị. Nhưng vì lý do cá nhân, chị đã xin ra viện. Cũng vì chủ quan cứ nghĩ khối u đã cắt bỏ là bệnh đã khỏi nên chị L. không lo lắng nhiều.

"Đến đầu năm 2020, trong một lần đi lại ở nhà, không may bị một vật nặng va đập vào vùng ngực đó. Sau đó, vùng ngực tấy đỏ, sưng lên, nhưng không đau, rồi cứ nghĩ chắc do ăn đồ nếp là bánh chưng với đồ ngọt nhiều nên nó sưng, rồi lại vì dịch bệnh nên tôi không đi khám" - chị L. chia sẻ.

Anh Trần Trung T. 26 tuổi là con trai bệnh nhân cho biết thêm: "Thấy khối u ngày càng to, biến dạng và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và tinh thần của mẹ, tôi và mọi người trong nhà khuyên bà đi khám. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ khám rồi tư vấn, giải thích rõ về bệnh tình của mẹ. Lúc đấy chỉ tự trách sao không đưa bà đi khám sớm hơn".

Khối u vú lở loét, chảy máu... mới cầu cứu bác sĩ - Ảnh 1.

"Điều đáng tiếc của bệnh nhân này đó là không thực hiện theo hết các chỉ định, phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Nếu lúc đó, bệnh nhân xạ trị thì kết quả có lẽ sẽ khả quan hơn rất nhiều" - TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú cho biết.

Ngay khi bệnh nhân nhập viện vào đầu năm 2020, các bác sĩ đã cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính... Kết quả là khối u tái phát chứ không đơn thuần như suy nghĩ do va đập. Khối u phát triển ngày một to lên, kích thước vô cùng lớn - đường kính gần 40cm, vỡ loét, chảy máu, nếu không xử lý sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Nhận định đây là khối u lớn, đã vỡ loét, chảy máu, với những khối u như thế này có 2 vấn đề khó khăn chính mà ekip phẫu thuật phải giải quyết: một là có hệ thống các mạch máu phát triển để nuôi khối u, nên khi cắt bỏ u thì nguy cơ mất máu rất lớn; hai là khối u lớn sẽ phát triển xâm lấn vào cấu trúc, tế bào xung quanh.

Các bác sĩ Khoa Ngoại vú đã tiến hành hội chẩn kỹ càng với bác sĩ xạ trị để đưa ra phác đồ tốt nhất vào thời điểm này cho bệnh nhân.

Khối u vú lở loét, chảy máu... mới cầu cứu bác sĩ - Ảnh 2.

Tháng 5/2020, bệnh nhân được tia xạ tiền phẫu và ngày 24/6, các bác sĩ Khoa Ngoại vú, Bệnh viện K tiến hành phẫu thuật.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, các bác sĩ đã phối hợp chặt chẽ với ekip gây mê hồi sức để đưa ra phương án cầm máu tốt trong mổ. Trước đó, bệnh nhân cũng được chụp cắt lớp để đánh giá kỹ về nguy cơ xâm lấn, từ đó bác sĩ đưa ra phương án tiếp cận phẫu thuật phù hợp nhất.

Khối u vú lở loét, chảy máu... mới cầu cứu bác sĩ - Ảnh 3.

Bệnh nhân có tổn thưởng tái phát, vỡ loét lớn, khi cắt toàn bộ khối u đi đã để lại khuyết hổng vô cùng lớn chiếm 1/3 diện tích ngực. Các bác sĩ đã dùng vạt da tại chỗ, xoay và lấp vùng thiếu khuyết cho bệnh nhân vừa đảm bảo lấy toàn bộ khối u, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ 2 bên ngực.

Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ đánh giá lại toàn trạng bệnh nhân và chăm sóc tích cực sau mổ để giúp người bệnh phục hồi nhanh nhất và đặc biệt là theo dõi vấn đề tái phát và đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo.

Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, giao tiếp và ăn uống tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục