Không lơ là trong phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

Gia Nhi, icon
06:00 ngày 27/06/2023

VTV.vn - Tai nạn thương tích do tai nạn giao thông, bỏng, ngã, đuối nước, hóc dị vật… ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại di chứng cho trẻ.

Trẻ bị tai nạn thương tích do tham gia giao thông với mẹ được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Số ca tai nạn thương tích gia tăng

BS.CKII Phạm Đông Đoài, Phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện nay đang là dịp nghỉ hè nên các trường hợp trẻ bị TNTT cũng tăng cao. Khoa hiện đang điều trị cho 44 bệnh nhân, điều đáng nói những năm gần đây số ca bệnh nặng tăng nhiều so với các năm trước đó.

"Trong một tháng qua, khoa tiếp nhận 3 ca gãy xương chậu, đây là tai nạn rất hiếm gặp ở trẻ trong những năm trước. Hay bệnh viện cũng ghi nhận bệnh nhân nhi gãy cùng lúc 2 xương lớn chứ không phải đơn thuần gãy một xương, rồi bệnh nhân gãy xương đùi, xương cẳng chân kèm chấn thương đầu rất phức tạp, nên công tác điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn" - BS Đoài cho hay.

Đang chăm con tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, chị T.T.H.T (ngụ phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, con trai chị 8 tuổi, cháu đi xe đạp bị té gãy tay nên được đưa vào bệnh viện và được các bác sĩ mổ, băng bó. Hiện sức khỏe cháu ổn, tuy nhiên tay vẫn còn sưng nên cháu vẫn được theo dõi tại bệnh viện.

Theo BS Phạm Đông Đoài, tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ do nhiều nguyên nhân, ở mỗi độ tuổi đều có mức độ khác nhau. Như ở độ tuổi học sinh cuối cấp 2 và cấp 3 tai nạn do giao thông chiếm phần đa, nguyên nhân do các em mới tập đi xe máy, xe đạp điện, chưa có kinh nghiệm tham gia giao thông, một số em đi xe gắn máy phân khối lớn vượt quá quy định của độ tuổi và đi với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái gây tai nạn giao thông. Trong độ tuổi cấp 2, nguyên nhân gây tai nạn thương tích do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt như té cây do leo trèo, đuối nước… Ở độ tuổi học sinh cấp 1 và mầm non cũng có những trường hợp tai nạn giao thông, do các em tham gia giao thông cùng bố mẹ, tai nạn do đuối nước. Ngoài ra do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh cũng dẫn đến các tai nạn thương tích như vết thương giao cắt, ngã cầu thang, bỏng nước sôi, bỏng điện, hóc dị vật…

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã xảy ra nhiều trường hợp đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội. Điển hình như, ngày 8/6, trên địa bàn xã Suối Nho (H.Định Quán) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 anh em ruột H.Đ.T.T. (7 tuổi) và H.Đ.X.L. (4 tuổi) tử vong do trượt ngã xuống ao trong vườn.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh Xã hội, từ đầu năm đến ngày 12/6, toàn tỉnh có 7 trẻ (từ 0-16 tuổi) tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu là do các em rủ nhau đi chơi, đi bơi, đi tắm, gần khu vực ao, hồ, hố mà không có sự giám sát của người lớn. Quan trọng hơn, nạn nhân bị đuối nước có trường hợp chưa biết kỹ năng bơi an toàn, chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích

Tai nạn thương tích để lại những hậu quả nghiêm trọng, đã cướp đi nhiều sinh mạng của trẻ. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đã vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.

UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, học sinh. Tuyên truyền vận động người dân, gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và giông lốc; chủ động đưa trẻ đến các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Các sở ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền trong phân cấp quản lý tăng cường công tác rà soát, hướng dẫn, chấn chỉnh việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em,, học sinh tại các trường học như: phòng chống bạo lực học đường, phòng chống cháy nổ, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các chất kích thích; rà soát tu sửa cơ sở vật chất để ngăn ngừa các nguy cơ đổ tường rào, gãy/đổ cây, cành, điện giật, rớt kính, tốc mái…; phòng chống tai nạn thương tích do các nguy cơ mất an toàn tại công trình xây dựng, các hồ/đập thủy lợi, tưới tiêu… Bảo đảm an toàn trường học, phương tiện đưa/đón trẻ em, học sinh đến trường, an toàn tại các cơ sở dịch vụ và hoạt động luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè…

BS Phạm Đông Đoài cho hay, để phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của các bậc phụ huynh. Đối lới lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 cần hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, hướng dẫn cho các em tham gia giao thông đúng luật, không cho trẻ sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi, nhắc nhở các em không chơi các trò chơi mạo hiểm, leo trèo…

Đối với lứa tuổi tiểu học, mầm non cũng cần nhắc nhở các em chơi an toàn, không chơi khu vực nguy hiểm; đặc biệt với lứa tuổi mầm non cần có người chăm sóc 24/24 giờ, cần chú ý để các vật sắc nhọn, nước sôi, điện xa tầm với của trẻ; không cho trẻ cầm nắm các đồ chơi sắc nhọn, nhỏ, tròn vì trẻ rất hiếu động có thể nuốt bất kỳ lúc nào. Phụ huynh cũng cần cho trẻ tham gia học bơi để phòng đuối nước ở trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục