Mụn nhọt, mẩn ngứa, nóng trong, biểu hiện của nhiễm độc gan

Thảo Vi, icon
08:30 ngày 18/07/2018

VTV.vn - Ngoài các chỉ số cụ thể về gan thì các biểu hiện bên ngoài như nổi mề đay, dị ứng, chán ăn, vàng da cũng phản ánh tình trạng gan không khỏe, có nguy cơ nhiễm độc.

Mùa hè, có rất nhiều vấn đề về sức khỏe phát sinh, trong đó, nóng trong, mẩn ngứa là một vấn đề rất nhiều người mắc phải. Ngứa da hay các bệnh về da có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có không ít trường hợp là do chức năng gan suy giảm, nhiễm độc gan gây ra.

Gan được coi là nhà máy hóa chất của cơ thể vì nó đảm trách cũng như điều hòa rất nhiều các phản ứng hóa sinh. Về cơ bản, lá gan đóng vai trò của một nhà máy lọc và tinh chế. Hơn thế nữa, gan đóng vai trò chính yếu trong việc loại bỏ ra khỏi máu các sản phẩm độc hại sinh ra từ ruột hay nội sinh (do cơ thể tạo ra). Gan chuyển đổi chúng thành những chất mà cơ thể có thể loại bỏ dễ dàng. Ngoài ra, gan còn giúp ổn định các cảm xúc của con người.

Lá gan thông thường có trọng lượng từ 1,5 - 1,7kg, nằm trong ổ bụng bên phải. Gan có nhiệm vụ ngăn chặn và chuyển hóa các chất độc từ bên ngoài vào cơ thể như thức ăn, đồ uống độc hại (bia, rượu), khói, bụi... Thế nhưng khả năng thải độc của gan chỉ ở mức giới hạn, nếu cơ thể tiếp xúc quá nhiều với các chất độc hại, gan không kịp xử lý, những chất độc hại đó sẽ tích tụ trong cơ thể. Để cân bằng hoạt động cho cơ thể nói chung và cân bằng hoạt động của gan nói riêng thì việc giải độc gan là cần thiết.

Các dấu hiệu nhận biết khi cơ thể bị nhiễm độc gan: hơi thở có mùi, đắng miệng, nóng trong người, mụn nhọt, mẩn ngứa, mệt mỏi, chán ăn, da vàng, nhợt nhạt... Ngoài những biểu hiện cụ thể như trên có thể có những biểu hiện như xuất hiện các vết bầm tím, tóc và móng khô, dễ gãy rụng. Đặc biệt nếu không có biện pháp giải độc gan kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, xơ gan, ung thư gan …

Để kiểm tra tình trạng bất thường đối với lá gan, việc khám sức khỏe định kỳ từ 6 - 12 tháng/lần rất quan trọng. Trong đó, siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu là hai quy trình đơn giản nhưng có thể phát hiện nhiều vấn đề về lá gan.

Mụn nhọt, mẩn ngứa, nóng trong, biểu hiện của nhiễm độc gan - Ảnh 1.

Nguyên nhân dẫn đến việc gan bị nhiễm độc:

- Uống bia rượu lâu năm: Chất cồn độc hại là kẻ thù số 1 của gan.

- Thói quen thức khuya: Từ 23h - 1h là khoảng thời gian gan bắt đầu lọc và đào thải các chất độc trong cơ thể. Chính vì vậy, đây là khoảng thời gian chúng ta nên có giấc ngủ sâu để giúp gan thanh lọc tốt nhất. Nếu thức quá khuya, quá trình hoạt động của gan sẽ bị cắt bớt dẫn đến việc gan bị quá tải.

- Ăn những thức ăn có hại cho cơ thể: Các thức ăn bị nhiễm độc, nhiễm hóa chất, có chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, quay

- Ô nhiễm môi trường, nguồn nước không đảm bảo.

- Uống nhiều thuốc tây, thuốc kháng sinh.

Mụn nhọt, mẩn ngứa, nóng trong, biểu hiện của nhiễm độc gan - Ảnh 2.

Một số biện pháp đơn giản hàng ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ bảo vệ gan:

- Ăn nhiều rau tươi có màu xanh đậm như rau bina, bắp cải xanh, rau ngót và ăn các loại quả như: quả óc chó, quả bơ, quả mọng… và uống 2 lít nước/ngày. Trong đó, nước rau má tươi (có thể kết hợp với râu ngô) và nước nhân trần là những bài thuốc dân gian có tác dụng tốt trong việc giúp gan thải độc, điều trị bệnh gan.

- Uống đủ nước: 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, chia làm nhiều lần, mỗi lần từ 150 - 200ml.

- Hạn chế đồ ăn cay vì chúng rất dễ làm cho hệ tiêu hóa bị "nóng", gây mất cân bằng chức năng gan.

- Tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.

- Quan trọng nhất, bắt buộc phải tuân thủ, hạn chế thức uống có cồn, gas, chất kích thích như rượu bia, cà phê…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục