Nghĩ mắt mờ do bị cận thị, kết luận của bác sĩ khiến bệnh nhân bất ngờ

Văn Thành, icon
05:30 ngày 24/07/2020

VTV.vn - Anh P.T.N. (40 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), tới khám tại Bệnh viện đa khoa Medlatec với lý do 2 mắt nhìn mờ trong 4 tháng nay.

Trước đó, bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi được chẩn đoán là rối loạn điều tiết - cận thị và đã điều trị theo đơn của 3 bác sĩ khác nhau nhưng không thấy đỡ. Điều đáng nói là khi tới khám ở bệnh viện, bệnh nhân vẫn tin rằng mình chỉ bị cận thị và mong muốn được đeo kính để nhìn rõ hơn, chứ không nghĩ rằng mình có thể bị bệnh khác.

Bác sĩ Đoàn Thu Hiền, Trưởng Khoa Mắt, là người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân cho biết: Khi kiểm tra thị lực của bệnh nhân, mỗi mắt chỉ còn 1/10, nhưng bệnh nhân một mực cho rằng mắt chỉ bị cận thị và chỉ cần đeo kính đúng số sẽ nhìn rõ.

Theo nguyện vọng của bệnh nhân, bác sĩ Hiền cùng điều dưỡng đã thử cho bệnh nhân các phương án kính khác nhau, nhưng thị lực của bệnh nhân chỉ tăng được 1 dòng (từ 1/10 lên 2/10).

Qua khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân đang điều trị lao phổi bằng thuốc chính là Ethambutol tháng thứ 8 và từ 4 tháng trước, bệnh nhân đã thấy có dấu hiệu cả 2 mắt nhìn mờ hơn. Thời điểm đó trùng với giai đoạn bệnh nhân đang phải làm việc căng thẳng nên nghĩ chắc do mình dùng máy tính nhiều mà mắt mờ.

Tuy nhiên, sau 1 tháng, bệnh nhân cảm thấy mắt mờ hơn và cảm nhận màu sắc thiếu chính xác dần nên quyết định trao đổi với bác sĩ điều trị lao về vấn đề mắt của mình. Bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn về nghỉ ngơi, theo dõi thêm và tiếp tục điều trị rối loạn điều tiết.

Với các thông tin cung cấp và kết quả kiểm tra thị lực không cải thiện, bác sĩ Hiền tư vấn cho bệnh nhân thăm khám chuyên sâu hơn để loại trừ vấn đề ngộ độc thị thần kinh do thuốc chống lao, trong trường hợp này có thể là do Ethambutol.

Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối vì không tin rằng mình có thể gặp phải vấn đề đó. Hơn nữa bác sĩ điều trị lao của bệnh nhân cũng đã nói tạm thời chưa nghĩ tới ngộ độc thuốc.

Sau 3 ngày, cả 2 mắt của bệnh nhân đã bị thu hẹp hơn so với người bình thường khá nhiều, gây khó khăn cho việc đi lại và quan sát sự vật. Lúc này, bệnh nhân mới thừa nhận có những lúc ngồi làm việc mà đồng nghiệp đến đứng ngay bên cạnh nhưng không hề biết, không cảm nhận được.

Qua hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc thần kinh thị do thuốc chống lao và theo dõi viêm màng bồ đào. Bệnh nhân được tư vấn đổi thuốc Ethambutol sang thuốc điều trị lao khác và sử dụng các thuốc nâng cao thể trạng, bảo vệ thần kinh thị giác.

Theo các bác sĩ, tỷ lệ bệnh nhân điều trị lao gặp phải tác dụng phụ của thuốc gây ngộ độc thần kinh thị giác chiếm khoảng 1/1.000 với liều điều trị thông thường của Ethambutol, có nghĩa là cứ khoảng 1.000 bệnh nhân điều trị lao thì có 1 bệnh nhân bị ngộ độc thị thần kinh và có nguy cơ mất thị lực nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, với các bệnh nhân phải điều trị với liều lượng Ethambutol cao hơn, ở mức 60-100 mg/kg/ngày, thì tỷ lệ bị ngộ độc thị thần kinh có thể lên tới 50%, tức là cứ 2 bệnh nhân điều trị sẽ có 1 bệnh nhân bị giảm thị lực.

Mất thị lực ở bệnh nhân lao sẽ gây nên tổn thất rất lớn về sức khỏe, khả năng lao động của bệnh nhân sau này. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Tất cả các bệnh nhân đang điều trị thuốc chống lao đều cần khám định kỳ chuyên khoa mắt tối thiểu mỗi tháng 1 lần để đo thị lực, đánh giá thị lực màu, thị trường. Với các bệnh nhân đã kết thúc liệu trình điều trị lao vẫn cần tiếp tục theo dõi ở chuyên khoa mắt trong vòng 12 tháng sau đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục