Ngộ độc sắn - Độc tố tự nhiên gây tử vong cao

Văn Thành, icon
12:37 ngày 12/07/2020

VTV.vn - Theo Tổng hội Y học Việt Nam, nếu một người nặng khoảng 50kg hấp thu phải chất acid cyanhydric có trong củ sắn khoảng 20mg sẽ bị ngộ độc và 50mg sẽ tử vong.

Hình minh họa.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, mới đây, tại Buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn sắn (luộc) mọc hoang dại. Hậu quả: 3 cháu bé bị ngộ độc thực phẩm, trong đó một cháu đã tử vong trên đường đi chuyển viện.

Theo kết quả xét nghiệm, định lượng acid cyanhydric tại Trung tâm kiểm nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trong 4 mẫu sắn mà các cháu đã ăn và mẫu củ sắn tươi lấy từ phần củ còn sót lại của phần cắt về ăn thì trong vụ ngộ độc này trường hợp tử vong đã ăn 2 khúc sắn luộc, dài 12cm, đường kính 5cm, ước chừng khoảng 0,4kg, như vậy đứa trẻ 6 tuổi tử vong đã hấp thụ 148mg acid cyanhydric vào trong cơ thể.

Ngộ độc sắn biểu hiện vài giờ sau khi ăn với các triệu chứng đường tiêu hóa: đau bụng, nôn, tiêu chảy. Các triệu chứng ngộ độc thần kinh: đau đầu, chóng mặt, ù tai, tê lưỡi, dị cảm đầu chi, nặng hơn có thể co giật, hôn mê, suy hô hấp và tử vong.

Khi có người bị ngộ độc sắn, phải nhanh chóng loại trừ tác nhân gây ngộ độc bằng gây nôn chủ động trước 30 phút sau ăn và khi bệnh nhân tỉnh. Cho bệnh nhân uống dung dịch đường (tốt nhất là đường glucosa 30 - 50%) và chuyển đến cơ sở điều trị gần nhất.

Để tránh ngộ độc sắn, khi chế biến sắn phải loại bỏ hết vỏ và phần đầu củ; ngâm qua đêm, khi luộc cho nhiều nước và mở vung cho chất độc thoát ra. Không nên ăn những củ sắn lâu năm, sắn dẻo không bở, sắn có vị đắng, đọt sắn non vì những loại này có chứa nhiều acid cyanhydric. Sắn đã chế biến (sắn khô, bột sắn) thường ít độc tính hơn sắn tươi. Không sử dụng sắn đắng, sắn cao sản (cả củ và lá) và sắn mọc hoang dại để chế biến thức ăn. Khi nghi ngờ là sắn độc tuyệt đối không sử dụng để ăn. Khi ăn sắn, thấy có vị đắng thì không nên ăn. Không ăn sắn vào buổi sáng sớm, ăn khi đói.

Đặc biệt, đối với nông dân trồng sắn cao sản cần quy hoạch và công khai thông tin khu vực trồng các loại sắn. Tăng cường thông tin cảnh báo cho người xung quanh loại sắn đắng, sắn cao sản không được sử dụng chế biến thành thức ăn trực tiếp.

Trước tình hình các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải độc tố tự nhiên gây tử vong (độc tố tự nhiên trong: cóc, nấm, củ sắn, măng…) ngày càng tăng cao, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không bắt cóc làm thịt và hái các loại rau, củ, quả (nấm, củ sắn, măng…) mọc tự nhiên, hoang dại, không có nguồn gốc rõ ràng để chế biến thực phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục