Nguy hiểm tai nạn giao thông từ xe đạp điện

Mai Liên (CDC Đồng Nai), icon
10:51 ngày 30/09/2022

VTV.vn - Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong 8 tháng đầu năm 2022, bệnh viện tiếp nhận 257 ca cấp cứu do TNGT chung, trong đó có 36 ca nặng và 1 ca tử vong.

Bác sĩ thăm khám cho em N.T.T bị gãy chân do người đi xe đạp điện tông phải.

Mới đây, em N.T.T (10 tuổi, trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) phải nhập Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị do bị một người đi xe đạp điện đâm phải. Hậu quả em bị gãy 1/3 xương chày trái, trầy mặt và trán.

BSCKII. Phạm Đông Đoài, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết: Số trẻ nhập viện tại khoa tương đối đông do các loại tai nạn thương tích và bỏng, trong đó ghi nhận một số ca TNGT do xe đạp điện như em T. là một ví dụ.

Xe đạp điện hiện là phương tiện lưu thông chủ yếu của nhiều học sinh nhưng kiến thức tham gia giao thông của các em còn hạn chế, như không đội nón bảo hiểm, đi với tốc độ cao thì xe đạp điện vừa là phương tiện gây tai nạn và phương tiện bị tai nạn.

Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất là vào buổi tối, dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ ngách, nơi khuất tầm nhìn.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh vẫn chủ quan coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường, nên mua cho con em mình nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khi gặp các tình huống khẩn cấp đã lúng túng khi xử lý và tai nạn có thể xảy ra.

Bác sĩ Đoài lưu ý: Khi gặp phải trường hợp trẻ bị TNGT, phụ huynh, người trông giữ và người dân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm và gọi mọi người giúp đỡ. Nếu trẻ bị chảy máu, phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hoặc khăn hoặc một cục bông gòn ấn chặt vào vết thương. Động tác này rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

Nếu tổn thương mạnh ở xương (như gãy xương, tay, chân, cổ, lưng…) phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trong quá trình di chuyển, tránh gây chuyển động mạnh.

Trường hợp bị hôn mê nên tiến hành sơ cứu lần lượt theo các bước: khai thông đường thở bằng nhiều biện pháp như: hà hơi, thổi ngạt, hồi sức… kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện sơ cấp cứu ban đầu. Sau khi sơ cứu xong cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chức năng cao hơn gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Không phủ nhận lợi ích về kinh tế, môi trường, sự tiện lợi khi sử dụng xe đạp điện. Tuy nhiên do thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của một bộ phận học sinh, khi tham gia giao thông bằng phương tiện này đang gây ra tình trạng mất an toàn cho bản thân và cộng đồng. Gia đình, nhà trường cũng cần tích cực vào cuộc để tuyên truyền, giáo dục, giám sát con em mình nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của các em học sinh khi điều khiển xe đạp điện.

Để phòng tránh TNGT cho trẻ nói chung và TNGT do xe đạp điện nói riêng, trước hết người lớn phải luôn làm gương cho trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật An toàn giao thông đường bộ; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi đúng với tốc độ cho phép; khi qua đường phải nhìn đường, xin đường cẩn thận để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục