Nha đam - Vị thuốc quý nhưng thận trọng khi sử dụng

P.V, icon
08:59 ngày 16/12/2019

VTV.vn - Nha đam là loài cây mọng nước được trồng phổ biến ở nước ta, từ xa xưa, con người đã biết sử dụng nha đam để làm đẹp và chữa lành vết thương.

Theo y học cổ truyền, từ những sách thuốc cổ có ghi nhận nha đam có vị đắng, tính hàn, quy kinh Can, Đại trường. Có tác dụng tả hạ (tẩy xổ), thanh can nhiệt (mát gan giải độc), sát trùng, trị các chứng táo bón, cam tích ở trẻ nhỏ, dùng ngoài trị chàm lở loét ngoài da lâu khỏi, bỏng da.

Nha đam được biết đến với nhiều tác dụng cho sức khỏe và làm đẹp. Nhưng nó cũng chứa chất độc, khi không sử dụng đúng cách sẽ gây hại cho cơ thể:

- Ngay dưới phần vỏ lá có một lớp nhựa vàng (chiếm tới 16 - 20%). Chất nhựa vàng này chứa chất hóa học tự nhiên có tên aloin, đây là một dạng anthraquinon glycosid có thể gây kích ứng da.

- Phần nhựa nha đam có tính năng nhuận tràng nhưng khi sử dụng quá liều cũng có thể gây tiêu chảy, rối loạn điện giải, mất kali, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng thận, hoặc làm đau dạ dày…

- Nguy hiểm hơn, nếu liên tục "ăn phải" 1g nhựa nha đam/ngày trong nhiều ngày liền có thể gây nguy hiểm chết người vì tiêu chảy, mất nước, suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa, suy gan thận, loạn tim, mạch đập chậm…

- Năm 2002, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm sử dụng nhựa nha đam trong các sản phẩm dược phẩm bán đại trà.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Vũ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Long An, dưới đây là liều dùng và những đối tượng không nên sử dụng nha đam:

- Để giúp sự tiêu hóa cần sử dụng 0.05 - 1g/ngày; nhuận tràng 0.15 - 2g/ngày với dạng thuốc viên hay nhũ dịch.

- Các sản phẩm chất lỏng có thành phần từ 50% nha đam nếu dùng 2 lần/ngày thì chỉ nên dùng trong 4 tuần.

- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú: Khi sử dụng nha đam qua đường miệng, kể cả dạng gel hay nhựa thì đều không an toàn cho mẹ và con. Aloin sẽ làm cổ tử cung sản phụ co bóp mạnh gây xảy thai, sinh non hoặc sinh con dị dạng.

- Trẻ em: Chỉ có thể sử dụng gel nha đam trên da. Không an toàn khi sử dụng qua đường miệng. Trẻ dưới 12 tuổi sử dụng nha đam có thể bị đau dạ dày, co thắt, tiêu chảy.

- Người có vấn đề về thận: Sử dụng liều cao nhựa nha đam làm suy giảm chức năng thận và các vấn đề nghiêm trọng khác.

- Bệnh nhân trước và sau phẫu thuật: Nên ngưng sử dụng nha đam trong vòng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật. Không nên dùng nha đam sau phẫu thuật do tác dụng làm giảm đường huyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục