Nhận diện căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Ban Thời sự, icon
06:00 ngày 11/12/2015

VTV.vn - Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp các thông tin hữu ích về căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.

Võ sỹ Hoàng Hà Giang, cô gái tài năng của làng Taekwondo Việt Nam, cựu vô địch thế giới và Huy chương Vàng ASIAD 2006, vừa từ giã cõi đời vào ngày 7/12 vừa qua sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Sự ra đi của Hoàng Hà Giang khiến cho người hâm mộ thể thao bàng hoàng và tiếc nuối. Không ít người đã thắc mắc: Lupus ban đỏ là bệnh gì và ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao mà có thể cướp đi tính mạng của một cô gái trẻ như Hoàng Hà Giang?

Trong chuyên mục Sức khỏe của chương trình Cuộc sống thường ngày 9/12, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Trường từ Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai về căn bệnh này.

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Trường cho biết: Lupus ban đỏ hệ thống là căn bệnh tự miễn dịch do rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể con người chống lại những tấn công từ bên ngoài như vi khuẩn, virus xâm nhập vào. Với bệnh Lupus ban đỏ, hệ thống miễn dịch sẽ quay lại chống lại sức khỏe con người, tấn công hệ thống mô liên kết tồn tại trên tất cả các khu vực trên cơ thể. Do đó, căn bệnh này sẽ tấn công toàn bộ hệ cơ quan trên cơ thể người. Khi bệnh tiến triển nặng, Lupus ban đỏ sẽ làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh như tàn phế, thậm chí tử vong.

Cho đến nay, nguyên nhân chính thức của bệnh Lupus ban đỏ chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, bệnh này là do sự kết hợp của 3 yếu tố chính: yếu tố di truyền, nội tiết và môi trường, đặc biệt là vai trò của tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời.

Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống trong những trường hợp bệnh điển hình tương đối đơn giản khi bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng như: nổi ban cánh bướm ở mặt, nổi ban đỏ trên người, sưng, đau khớp, tràn dịch màng phổi… Tuy nhiên, bệnh Lupus ban đỏ thường diễn biến chậm, biểu hiện triệu chứng rất mơ hồ trong giai đoạn đầu; do đó, nhiều khi bệnh bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán.

Bệnh Lupus ban đỏ chưa xác định được nguyên nhân chính nên cũng không có phương pháp dự phòng tiên phát xuất hiện bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp có dấu hiệu của triệu chứng bệnh như: đau khớp không rõ nguyên nhân, nổi ban bất thường trên da, người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa có khả năng xét nghiệm về miễn dịch để được chẩn đoán, sàng lọc và ngoại trừ bệnh.

Với những tiến bộ trong việc điều trị bệnh, tỷ lệ sống trên 10 năm của bệnh nhân Lupus ban đỏ đạt khoảng 80 - 90%, trong đó khoảng 70% người bệnh có cuộc sống bình thường. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý: tuyệt đối không được dừng sử dụng thuốc vì bất kỳ lý do gì; tránh ánh nắng Mặt trời và các sang chấn từ môi trường như dùng chất kích thích, lao động quá sức.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục