Nhiệt độ ban đêm tăng cao là vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng ở các đô thị châu Á

Nguyễn Mai, icon
12:14 ngày 14/09/2020

VTV.vn - Ban đêm thường là thời gian nghỉ ngơi để cơ thể thực hiện trao đổi chất, nhưng tại các đô thị lớn, nhiệt độ ban đêm đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.

Mức nhiệt ở các thành phố lớn vào ban đêm vẫn luôn cao ở mức trên 30 độ C.

Nhà của ông Prasert Saisamphan từng là một không gian mát mẻ, xung quanh là cây cối ở thủ đô Băng-kok, Thái Lan. Nhưng hiện nay, người đàn ông 65 tuổi cảm thấy khó thở khi bị bao quanh bởi bê tông tù túng và khói bụi của một thành phố đang phát triển.

"Khi tôi khoảng 20 tuổi, ở đây chưa xây chung cư. Thời tiết đẹp và mát mẻ. Chúng tôi chỉ sử dụng một chiếc quạt vào buổi tối. Không ai có máy lạnh trong nhà" - ông Prasert chia sẻ - "Còn bây giờ, có ít không khí trong lành hơn. Cảm giác như tôi không thể hít thở sâu".

Nhiệt độ ban đêm tăng cao là vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng ở các đô thị châu Á - Ảnh 1.

Ông Prasert Saisamphan ngồi dựa vào bóng râm của một cái cây gần nhà để tránh nóng. Ảnh CNA

Ngôi nhà của ông Prasert ở Klong Khlang, trung tâm Bangkok hiện bị vây quanh bởi những cột tháp cao ngất của một đường cao tốc. Trong khi ở phía xa, những tòa chung cư cao đang mọc lên như nấm.

"Năm nay nóng quá. Trời nóng đến nỗi tiền điện tăng lên đáng kể. Trời nóng quá nên tôi đã lắp vòi phun nước trên mái nhà. Tôi cảm thấy nóng gấp đôi so với năm ngoái" - chị Jurairat Kruephimai, một người dân địa phương khác cho biết.

Sức nóng mà họ cảm nhận chính là ảnh hưởng của một hiện tượng được gọi là đảo nhiệt đô thị (UHI) đang diễn ra ở Bangkok, khiến nhiệt độ tăng cao hơn các khu vực xung quanh. Điều này đặc biệt cảm thấy rõ vào ban đêm.

Đường xá, tòa nhà và các cơ sở hạ tầng đô thị bằng bê tông hấp thụ bức xạ mặt trời vào ban ngày và giải phóng hơi nóng từ từ vào ban đêm, làm tăng nhiệt độ. Lưu lượng xe cộ tăng cao, việc chặt bỏ bớt cây để mở đường giao thông cũng làm vấn đề thêm trầm trọng hơn.

Nhiệt độ ban đêm tăng cao là vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng ở các đô thị châu Á - Ảnh 2.

Nhiệt độ hấp thụ vào các khối bê tông và sẽ được giải phóng vào ban đêm. Ảnh: CNA

Tiến sĩ Sigit Dwiananto Arifwidodo từ Đại học Kasetsart đã nghiên cứu sâu rộng về UHI ở thủ đô Thái Lan. Năm 2012, một trong những nghiên cứu của ông cho thấy chênh lệch nhiệt độ tối đa giữa thành thị và nông thôn là 7 độ C. Và cho đến năm 2018, ông lưu ý rằng nhiệt độ do UHI khuếch đại tiếp tục tăng hàng năm.

"Nhiệt độ cao hơn do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị đang tăng lên hàng năm. Lúc đầu, chúng tôi rất ngạc nhiên" - Tiến sĩ Arifwidodo nói với kênh truyền hình CNA.

"Chúng tôi phân tích và thấy rằng những khu vực là điểm nóng ngày càng mở rộng. Thống kê mới nhất mà chúng tôi sử dụng dữ liệu từ năm 2018, đó là điểm nóng đang chiếm gần như toàn bộ Bangkok".

Tiến sĩ Kevin Lau, trợ lý giáo sư tại Viện Tương lai Băng-kok cho biết thêm: "Ban đêm được cho là thời điểm để cơ thể có thể phục hồi và nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, nhưng 'đêm nóng' khiến việc phục hồi và nghỉ ngơi kém hiệu quả hơn".

Ông Lau cũng cho biết: Do khả năng thông thoáng gió trong môi trường đô thị kém, khiến những người cư ngụ trong các căn hộ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương và ảnh hưởng sức khỏe, không thể phục hồi sức lực đã tiêu hao trong ngày.

Các tác động đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Khi dân số thành phố già đi và các khu vực sinh sống trở nên đông đúc hơn, nguy cơ căng thẳng do nắng nóng dự báo ​​sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Ông Winston Chow, Phó giáo sư ngành khoa học, công nghệ và xã hội tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết: "Nếu một thành phố có tỷ lệ lớn người cao tuổi tiếp xúc thường xuyên với nhiệt độ cao cả vào ban ngày lẫn ban đêm, những người đó sẽ gặp vấn đề về sức khỏe".

Tại Bangkok, Tiến sĩ Arifwidodo nói rằng vấn đề đang nằm trong tầm ngắm do số ca tử vong hoặc bệnh tật trực tiếp gây ra bởi căng thẳng nhiệt vẫn còn thấp so với các khu vực khác của đất nước.

Ông nói: "Ở cấp thành phố, sự quan tâm rất hạn chế, đặc biệt là từ chính quyền cấp tỉnh vì họ cho rằng, từ góc độ y tế, số người tử vong vì say nắng là tương đối thấp".

"Có một số bệnh liên quan đến nắng nóng ở Bangkok, nhưng điều này chủ yếu xảy ra đối với những người có địa vị kinh tế xã hội thấp, như công nhân xây dựng, tài xế xe ôm và những người làm công việc nặng nhọc thường xuyên phải đứng ngoài trời nóng liên tục".

Nhiệt độ ban đêm tăng cao là vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng ở các đô thị châu Á - Ảnh 3.

Người già, người mắc các bệnh hen suyễn và bệnh phổi thường gặp triệu chứng khó thở khi nhiệt độ tăng cao. Ảnh: BBC

Nhiều năm qua, các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Italy đã chứng kiến số ca nhập viện và tử vong vì nắng nóng liên tục tăng. Trung tuần tháng 8 vừa qua, tình trạng nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày trên toàn Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và khiến hàng chục người tử vong, hàng nghìn người phải nhập viện do bị sốc nhiệt. Trong đó, số người tử vong chủ yếu tập trung ở độ tuổi trên 70 tuổi, chiếm tỷ lệ hơn 80%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục