Phát hiện và phòng ngừa sớm bệnh tim bẩm sinh

Kim Xuân , icon
08:03 ngày 03/07/2013

 Mỗi năm có khoảng 12.000 trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh ra đời và 50% trong số này cần phải mổ ngay trong năm đầu. Tuy nhiên, số trẻ được phẫu thuật chỉ có 5.000 trẻ, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi đến lượt phẫu thuật.

Hậu quả trên xuất phát từ nguyên nhân chẩn đoán xác định trẻ bị dị tật tim bẩm sinh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bác sĩ mổ tim bẩm sinh cũng rất thiếu. Điều đáng quan tâm hơn nữa ở thể lực của trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đó là sự chậm phát triển thể chất.

Các em không có cơ hội phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh, vạm vỡ nếu như không được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh tim sẽ bị rơi vào tình trạng còi cọc, kém phát triển, thấp bé, nhẹ cân. Do đó, làm thế nào để phát hiện và phòng ngừa dị tật tim bẩm sinh là câu hỏi được đặt ra hết sức cấp bách không chỉ đối với ngành y tế mà còn đối với các gia đình.

‘ Khi trẻ bú mẹ không có khả năng bú hơi dài, hay bị viêm phổi, phải nghỉ khi chạy nhảy lâu... là những dấu hiệu con bạn có thể bị bệnh tim bẩm sinh. (Ảnh minh họa)

Tại Trung tâm tim mạch, bệnh viện E, các bác sĩ cho biết hầu hết bệnh nhi đều trong tình trạng nặng và hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không có điều kiện để khám sàng lọc trước sinh. Nhiều bà mẹ cho rằng trẻ mắc tim bẩm sinh phải có biểu hiện da tím tái, nên khi trẻ bị viêm phổi và khó thở thường nghĩ trẻ mắc các bệnh đường hô hấp. Mặt khác, bác sĩ chuyên khoa tim nhi tại tuyến dưới còn thiếu, nên việc chẩn đoán và xác định gặp khó khăn.

TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết: “Đối với các bà mẹ, khi cho con bú có thể biết được con không bú được hơi dài, con mắc viêm phổi nhiều lần, khi chạy nhảy với các bạn có cùng độ tuổi thì không theo kịp, đang đi mà phải nghỉ thì phải biết đó là những biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh. Bằng những kiến thức cơ bản ban đầu như vậy, với bác sĩ sẽ biết được đó là bệnh tim bẩm sinh và phải chuyển tới những bác sĩ chuyên khoa về tim mạch.

Đối với trẻ mắc tim bẩm sinh, nên mổ vào năm đầu đời của trẻ sẽ giúp cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ 50% số trẻ được phẫu thuật, số còn lại không phát hiện kịp thời hoặc không biết mắc tim bẩm sinh. Hiện có hai phương pháp phẫu thuật tim bẩm sinh là mổ nội soi và mổ mở. Chi phí cho mỗi ca phẫu thuật từ 30 - 40 triệu.

TS Lê Ngọc Thành cho biết thêm: “Về mặt nguyên tắc, 50% số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh phải mổ trong năm đầu, số còn lại phải mổ trước khi đi học. Phần lớn tuổi mổ tim bẩm sinh trên thế giới có ba loại, loại cần cấp cứu thường mổ trong 2 tuần đầu khi đẻ, loại hai mổ từ 6 – 9 tháng, loại ba mổ trước khi đi học.

Chúng tôi tiến hành mổ tim bẩm sinh nhưng kết hợp nội soi hỗ trợ, để những dị tật đơn giản của người bệnh như thông liên nhĩ, dị tật van hai lá, dị tật ống nhĩ thất bán phần… không phải mổ mở. Đối với phần lớn những dị tật phức tạp của tim bẩm sinh cần phẫu thuật mổ mở”.

Các bác sĩ cho biết, các bà mẹ hoàn toàn có thể phát hiện dị tật tim bẩm sinh của trẻ bằng phương pháp siêu âm. Hiện bác sĩ siêu âm tim còn rất thiếu nên cần đến các trung tâm lớn, các chuyên khoa để được chẩn đoán và xác định chính xác. Trong thời gian mang thai, các bà mẹ nên tiêm phòng đầy đủ và không nên uống rượu, hút thuốc, kiểm tra thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện bệnh của trẻ.

Khi biết con mắc bệnh tim bẩm sinh, các bậc cha mẹ cần hỏi bác sĩ chuyên khoa tim mạch về tất cả vấn đề liên quan như: đặc điểm tổn thương của bệnh, diễn tiến của bệnh, cách thức điều trị, nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào tốt nhất để phẫu thuật, cách chăm sóc trẻ tại nhà… để có thể hiểu về bệnh của trẻ, nhằm có thể xử trí đúng cách và kịp thời.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video phóng sự Phát hiện và phòng ngừa sớm bệnh tim bẩm sinh, trong chuyên mục Sống khỏe, chương trình Cuộc sống thường ngày của Đài THVN.

Cùng chuyên mục