Phú Yên tổ chức giám sát và điều trị bệnh tay chân miệng tại cơ sở

Theo TTXVN, icon
05:34 ngày 29/05/2015

VTV.vn - Theo khẳng định của Bác sĩ Biện Ngọc Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, tình hình dịch bệnh vẫn được giám sát chặt chẽ.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, tỉnh Phú Yên hiện có 58/112 xã, phường, thị trấn có trẻ em mắc bệnh tay chân miệng; tổng số ca bệnh là 184 (so với 114 ca trong cùng thời điểm năm 2014). Địa phương có số ca bệnh nhiều nhất là huyện Phú Hòa với 39 ca (năm 2014 là 17 ca). Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em từ 1 - 3 tuổi đang được chăm sóc tại các hộ gia đình. Đáng chú ý là số ổ dịch cũng tăng hơn; năm 2014, chỉ xuất hiện 2 ổ dịch tại huyện Tây Hòa và Tuy An, năm nay có 4 ổ dịch tại huyện Phú Hòa (2 ổ dịch), Tuy An và Sông Hinh.

Bác sĩ Biện Ngọc Tân cho biết thêm, nguyên nhân số ca mắc tay chân miệng tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài; điều kiện vệ sinh tại nơi vui chơi, sinh sống của trẻ em không đảm bảo dẫn đến thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Thực tế số ca bệnh có tăng hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn được giám sát chặt chẽ.

Để tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên và giám sát ca bệnh ngay tại cộng đồng, ngành y tế tỉnh Phú Yên đã tổ chức giám sát và điều trị ngay tại cơ sở. Bác sĩ Lê Văn Mân, Trưởng Trạm y tế xã Hòa An, huyện Phú Hòa cho biết: "Theo phác đồ đã được hướng dẫn, với trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ, trạm y tế xã sẽ tổ chức điều trị; nếu bệnh nặng mới chuyển lên tuyến trên. Cùng với việc điều trị, nhân viên y tế thôn, buôn phối hợp với cán bộ chuyên trách tiến hành xử lý hóa chất tại hộ gia đình và trường mầm non nơi có trẻ mắc bệnh, tránh tình trạng lây lan… Nhờ vậy, đến nay 8 trường hợp trẻ mắc bệnh đã được điều trị và một ổ dịch ở thôn Đông Phước được khống chế".

Trước diễn biến của thời tiết nắng nóng và dịch bệnh tay chân miệng như hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý về vệ sinh cá nhân, ăn uống vệ sinh cho con em mình. Nếu phát hiện có biểu hiện của bệnh tay chân miệng như: sốt, nổi bóng nước ở miệng hay lòng bàn tay phải kịp thời cách ly trẻ để điều trị, nhất là các em đang học tại các trường mầm non, mẫu giáo.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục