Quảng Ninh: Gia tăng bệnh nhân nhập viện do chấn thương cột sống

Tuấn Bảo, icon
09:04 ngày 26/09/2018

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) liên tục tiếp nhận các trường hợp chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt.

Bệnh nhân bị chấn thương cột sống đang điều trị.

Có đến gần 80 ca chấn thương cột sống do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt đến cấp cứu tại bệnh viện này trong vòng vài tháng qua.

Chấn thương cột sống ngực – thắt lưng thường gặp trong tai nạn lao động, giao thông và sinh hoạt, chiếm 70% trong tổng số chấn thương cột sống. Tuy không đe dọa đến tính mạng như chấn thương cột sống cổ, nhưng để lại nhiều di chứng nặng nề ảnh hưởng đến khả năng lao động và đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Ví dụ như trường hợp gần đây nhất: một bệnh nhân bị ngã từ trên cây nhãn có độ cao khoảng 5m xuống đất. Người bệnh Đào Thị Ngọc 18 tuổi, trú tại Thanh Sơn – Uông Bí- Quảng Ninh bị đau thắt lưng, mất vận động hoàn toàn 2 chân, rối loạn cơ tròn. Người bệnh nhập viện với chẩn đoán gãy cột sống, mất vững liệt tủy và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nẹp cốt sống, giải ép tủy.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Sau đó, tiến hành điều trị vật lý trị liệu.

Theo Ths.Bs Phạm Minh Phương – Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, đối với trường hợp người bệnh khi nhập viện đã trong tình trạng liệt, mất vận động 2 chân. Việc tiến hành phẫu thuật càng nhanh càng tốt. Bởi nếu để quá lâu, tủy sống không có cơ hội phục hồi và người bệnh nguy cơ tàn phế vĩnh viễn.

Các bác sĩ khuyến cáo: người bệnh khi bị chấn thương cột sống cần được nẹp bất động cột sống và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Về điều trị, nếu gãy cột sống không mất vững, tủy sống không bị chèn ép thì không có chỉ định phẫu thuật. Điều trị nội khoa tích cực (bất động, giảm đau, tăng cường dẫn truyền thần kinh, dinh dưỡng), kết hợp với phục hồi chức năng là phương pháp chủ yếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục