Tăng cường giám sát quy trình chạy thận nhân tạo để đề phòng tai biến

Minh Đức, icon
06:00 ngày 02/06/2017

VTV.vn - Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị có kỹ thuật chạy thận rà soát lại kỹ thuật, chuyên môn, máy móc, giám sát quy trình chạy thận để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Ngày 29/5, tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa trong quá trình chạy thận khiến 18 bệnh nhân sốc phản vệ và 7 bệnh nhân trong số đó tử vong. Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản thượng khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đảm bảo công tác điều trị cho người bệnh.

Theo ông Hà Huy Thắng - GĐ Bệnh viện Thận Hà Nội thì quá trình chạy thận đã được quy định rất rõ ràng, các đơn vị chạy thận đều phải thực hiện. Tuy nhiên, quy trình chạy thận nếu không được theo dõi kiểm tra thường xuyên thì sẽ rất dễ có sai phạm. Đặc biệt, trong quá trình chạy thận xảy ra sai sót nhưng không ai phát hiện hoặc giám sát thì sẽ khiến người bệnh xảy ra tai biến bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tai biến mà bệnh nhân chạy thận dễ gặp phải nhất là tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn và nôn, nhức đầu, đau ngực, ngứa và sốt ớn lạnh. Trong số đó, tụt huyết áp là một tai biến thường gặp khi chạy thận, nhất là khi bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Hiện tượng huyết áp có thể đi kèm với khó thở, đau bụng, co rút cơ, buồn nôn, nôn mửa. 

Bác sĩ Hồng Sơn cho biết: "Để tránh những tai biến có thể xảy ra, người bệnh trước khi chạy thận nên lưu ý tránh ăn những loại đồ có thể làm cơ thể tích nước. Không nên uống quá nhiều nước vì có thể gây ra hiện tượng tăng cân, phù, thay đổi huyết áp, khó thở. Cần tính toán lượng nước trong các loại thực phẩm nhiều sử dụng trong ngày, bao gồm nước lọc, nước trong đồ ăn và hoa quả. Hạn chế tiêu thụ muối vì muối sẽ khiến cơ thể khát nước. Ngoài ra, người bệnh có thể giảm tình trạng chuột rút bằng cách điều chỉnh lượng nước và điện giải của cơ thể giữa các lần chạy thận sẽ giúp dự phòng được tình trạng chuột rút trong quá trình chạy thận".

Để ngăn chặn những sự cố tai biến trong quá trình chạy thận nhân tạo, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị rà soát lại quy trình chuyên môn, kỹ thuật, kiểm tra lại toàn bộ máy móc, trang thiết bị đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra những tai biến, sự cố y khoa.

Ngoài ra, bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông cũng đã được Sở Y tế Hà Nội yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chuyển về từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bệnh viện Thận Hà Nội là đơn vị thường trực tiếp nhận bệnh nhân và điều phối bệnh nhân đến các đơn vị màng lưới khi cần thiết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục