Viết tâm thư gửi bệnh nhân
Anh Lê Viết Hải (sinh năm 1983) là bác sĩ của Khoa Liên chuyên khoa. Còn chị Lương Thị Hương là điều dưỡng của Khoa Truyền nhiễm. Cả 2 đều làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh ngay từ những ngày đầu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Chị Hương chính là một trong những nhân viên y tế trong kíp tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên vào Khoa Truyền nhiễm. Nhớ lại những ngày đầu tiên đó, chị khắc khoải: "Hai vợ chồng chúng tôi đến trung tâm y tế làm việc như bình thường thì nhận được tin có bệnh nhân dương tính chuyển lên Khoa Truyền nhiễm. Ban đầu, chúng tôi rất hoang mang và lo lắng. Cả kíp trực không biết phải xử lý như thế nào thì nhận được cuộc gọi của bác sĩ. Vũ Minh Điền từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hướng dẫn về cách tiếp cận và điều trị. Nhờ vậy, cả kíp trực bình tĩnh và yên tâm hơn rất nhiều".
Chị Hương trong một ca làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh. Ảnh: Bộ Y tế
Nhận được lệnh là quay cuồng ngay với công việc. Điều may mắn nhất đối với vợ chồng chị Hương là ông bà hai bên còn khỏe. Nỗi nhớ con được vơi đi phần nào bởi 2 cháu đã được ông bà chăm sóc chu đáo. Trong suốt 1 tháng qua, dù làm việc chung cùng một bệnh viện, nhưng số lần anh chị gặp gỡ nhau chỉ tính trên đầu ngón tay. Mọi cảm xúc cá nhân đều được kìm nén để phụng sự sứ mệnh chung.
Với bác sĩ Hải, những ngày này là khoảng thời gian anh vô cùng trân quý và thấy nghề Y đầy thiêng liêng. Bằng chất giọng đầm ấm, điềm đạm của một bác sĩ đã có thâm niên với nghề, anh Hải trầm ngâm: "Tôi gắn bó với nghề Y đến nay cũng đã 14 năm nhưng đây thực sự là thời gian đặc biệt nhất. Khoa Nội của chúng tôi trong đợt đầu tiên tiếp nhận đến 60 bệnh nhân COVID-19. Được sự hướng dẫn của các chuyên gia Bộ Y tế, chúng tôi xác định việc cần làm đầu tiên là phải ổn định tâm lý cho các bệnh nhân. Tôi vẫn nhớ như in những dòng chữ đánh máy với mong muốn san sẻ và đồng hành cùng người bệnh được viết ra. Chưa bao giờ tôi thấy sự đồng lòng và sứ mệnh của nghề nghiệp lại đặc biệt đến thế".
"Chúng ta đang đi chung trên một con thuyền. Dẫu biết, điều kiện sinh hoạt ở Bệnh viện Dã chiến số 1 không thể thoải mái như ở nhà được, nhưng các bạn hãy cứ vững tin. Các y bác sĩ của chúng tôi đang đồng hành trực tiếp cùng các bạn để chiến thắng COVID-19" - đó là những lời tha thiết trong bức "tâm thư" được anh Hải cùng các đồng nghiệp gửi tới bệnh nhân.
Cuộc hội ngộ lạ lùng
"Niềm tin" là từ khóa mà chúng tôi được nghe nhiều nhất trong suốt cuộc trò chuyện với vợ chồng bác sĩ Hải, bởi như anh Hải nói: "Đó là thứ khiến chúng tôi và bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn trong những ngày chiến đấu với COVID-19".
Những ngày Tết vừa qua, ngoài những lúc đón tin vui về các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, thì gần như cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn hòa nhịp với cuộc chiến đấu chung với COVID-19 của hàng nghìn đồng nghiệp tại tâm dịch Hải Dương. Thi thoảng họ cũng được gặp nhau, nhưng những cuộc gặp của họ cũng thật đặc biệt. Chúng tôi không khỏi xúc động khi xem được hình ảnh do một đồng nghiệp của anh chị "chụp trộm" cuộc hội ngộ giữa tâm dịch của hai anh chị. Tôi hỏi chị: "Lúc đấy, chị cảm giác như thế nào?". Chị Hương thẹn thùng, im lặng hồi lâu rồi đáp: "Em có người yêu chưa? Đấy! Nhớ như nhớ người yêu mà người yêu trước mặt cũng cứ phải "dửng dưng" để đảm bảo an toàn trước COVID-19 thì khó nói lắm. Chỉ biết là bồi hồi thôi".
Dù ai cũng có những nỗi niềm riêng nhưng anh Hải, chị Hương và các y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 luôn được sưởi ấm bằng những lời động viên từ đồng đội. Đó là sự hiệp lực của niềm tin. Anh Hải xúc động: "Chúng tôi gần như không còn phân biệt vai vế, chức vụ mà cùng nhau hòa nhịp vào cuộc chiến với tinh thần đoàn kết và tương trợ. Tôi đã rất xúc động khi thấy một đồng nghiệp trước dịch đã có ý định rời ngành Y vì quá vất vả, đã nghỉ nhiều tháng không lương, nhưng đúng lúc bệnh viện trở thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 thì sẵn sàng tham gia. Tôi tin rằng, sau cuộc chiến này, bạn ấy sẽ suy nghĩ lại".
Điều khiến anh Hải xúc động còn là sự yêu thương của các bệnh nhân COVID-19 dành cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện. Nhiều bệnh nhân đã "chia phần" từ những món quà được người nhà tiếp tế để dành tặng cho các y bác sĩ.
Khoảnh khắc làm việc đến đêm khuya của chị Hương và các đồng nghiệp Khoa Truyền nhiễm trong những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế
Chị Hương sau tròn 26 ngày trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được ra nghỉ ngơi tại khu cách ly. Anh Hải mừng thầm nhưng vẫn gửi một lời động viên đầy trách nhiệm: "Em cố gắng nghỉ ngơi một nhịp để còn tiếp sức đồng nghiệp!". Chẳng có ngôn tình lãng mạn nào được kể từ câu chuyện của anh chị, nhưng sự chân thành và những hy sinh là điều đáng được ghi nhận.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi hỏi anh chị những suy ngẫm về nghề Y. Chị Hương đáp: "Kiếp trước chắc mình được nhiều người chăm sóc nên kiếp này làm nghề Y để trả ơn!". Còn anh Hải thì giản dị: "Chúng tôi là những mảnh kim loại nhỏ bé, khi dồn lại thì có thể đúc lên thành khối chuông lớn ngân vang thanh âm tươi đẹp cho cuộc đời!".
Trong khu cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19, chắc hẳn không khí 27/2 không rộn ràng như những năm trước. Nhưng cả nước đang gửi yêu thương và dõi theo từng chuyển động của tâm dịch với những lời cảm ơn đặc biệt. Kết thúc cuộc phỏng vấn với anh chị, chúng tôi chợt nghĩ đến những lời giản dị trong bài hát "Hạnh phúc nghề Y" của nhạc sĩ Thủy Nguyễn: "Áo trắng tinh khôi/ Chúng tôi mang cho đời những niềm vui/ Những hy vọng về sự sống và tình yêu con người…".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương qua xét nghiệm đã xác định mẫu bệnh phẩm một trường hợp tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng dương tính với bệnh bạch hầu.
VTV.vn - Tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi là biện pháp tăng cường giúp bảo vệ trẻ khi dịch sởi đang gia tăng trong nhóm tuổi này.
VTV.vn - Trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng do sử dụng pháo, mìn tự chế.
VTV.vn - Sở Y tế Đồng Nai vừa có thông cáo báo chí về tình hình dịch sởi trên địa bàn tỉnh.
VTV.vn - Đây là chủ đề của Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng thuốc (18 - 24/11) do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.
VTV.vn - Trước khi quyết định tháo túi ngực và đặt lại, cần nắm rõ những lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn, đạt kết quả thẩm mỹ như ý.
VTV.vn - Một nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Y học Thể thao của Anh đã chỉ ra rằng, chịu khó vận động có thể kéo dài tuổi thọ ít nhất 5 năm.
VTV.vn - Các bác sĩ chỉnh hình cho rằng, sức khỏe của xương khớp rất quan trọng, liên quan mật thiết đến sức khỏe tổng thể của mỗi người.
VTV.vn - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.
VTV.vn - Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 420.000 người tử vong do ngộ độc thực phẩm.
VTV.vn - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.000 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 1 ca tử vong.
VTV.vn - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có thông tin về việc ngành công nghiệp thuốc lá đang cố gắng can thiệp vào nỗ lực bảo vệ người dân khỏi tác hại của thuốc lá.
VTV.vn - Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 7 trường hợp tử vong nghi do dại và các bệnh nhân đều không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó cắn, mèo cào.
VTV.vn - Một gia đình ở tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột sau khi ăn thịt chó có biểu hiện nôn ói nên được đưa vào bệnh viện để cấp cứu.
VTV.vn - Nam bệnh nhân 26 tuổi, điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai bị rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử.