So với các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ hay ĐBSCL, ca cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hương vị ngon hơn và được xếp trong top 100 loại ca cao ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2013 - 2017, do giá ca cao xuống thấp, nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ cây ca cao, thay thế bằng một số cây trồng khác. Do đó, diện tích trồng ca cao tại địa phương này đã giảm từ 1.200ha xuống còn 250ha.
Hiện diện tích trồng ca cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được mở rộng lên 450ha và các sản phẩm làm từ ca cao đã chinh phục các thị trường khó tính. Các thương hiệu ca cao của tỉnh đã được khẳng định, đưa tên tuổi ca cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước vào thị trường ca cao quốc tế.
Nguyên nhân ca cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chinh phục được các thị trường khó tính là vì không chỉ đầu tư cho khâu chế biến, các doanh nghiệp còn đầu tư ở khâu canh tác, tạo ra vùng nguyên sạch đầu vào. Từ cuối năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ca cao liên kết với những hợp tác xã, hộ nông dân canh tác theo tiêu chuẩn organic của Nhật Bản và Mỹ.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cao ca của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao, tuy nhiên nguồn nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều. Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định, từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng hữu cơ ca cao, đồng thời tập trung phát triển lên 650ha ở huyện Châu Đức, trong đó 15ha ca cao sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn organic để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!