Chiêu thức “hô biến” phế liệu lậu thành hợp pháp

VTV9Cập nhật 14:20 ngày 17/09/2019

VTV.vn - Việc người dân lợi dụng đường mòn, đường bờ ruộng rồi dùng xe máy, xe đạp vận chuyển phế liệu đang là thực tế nhức nhối ở nhiều tỉnh biên giới Tây Nam.

Hiện nay, sau thời gian Chính phủ cấm nhập phế liệu qua đường bộ và đường sắt, trên đường biên giới đã vắng đi những chiếc xe tải, xe container chở đầy phế liệu nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nhập phế liệu lậu xảy ra thường xuyên tại khu vực biên giới Tây Nam theo cách mới "kiến tha lâu đầy tổ".

Nhập lậu phế liệu bằng chiêu… "kiến tha lâu đầy tổ"

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, cách vài phút lại có 1 chiếc xe máy của người dân chở đầy phế liệu vượt qua tuyến biên giới Tây Nam - nơi giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia. Gọi là đường biên giới, tuy nhiên chỉ cần vượt qua đoạn bờ ruộng là đã có thể qua lại giữa hai nước.

Phóng viên VTV tiếp cận một người đang chở phế liệu vượt qua biên giới, cận cảnh có thể thấy phế liệu ở đây có đủ mặt hàng từ giấy vụn, sắt vụn đến cả rác thải công nghiệp như vỏ hộp dầu nhớt hay các loại mảnh vụn cao su được thải ra từ các nhà máy giày dép. Tất cả đều được mang về Việt Nam.

Theo những người dân, vì sống ven biên giới nên họ thuộc tất cả các đường ngang, ngõ tắt. Không những vậy, do vận chuyển với số lượng nhỏ, lại chỉ đưa về qua đường ruộng nên thường chẳng mấy khi người vận chuyển bị bắt giữ. Còn các chủ vựa thu mua phế liệu ngay biên giới lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa thu mua tất cả những gì người dân mang trót lọt qua biên giới và hô biến thành hợp pháp.

Vì sự ra quân quyết liệt cơ quan chức năng nên người dân đã dùng thủ đoạn mới không đi theo dạng xe tải, ghe lớn mà dùng phương tiện hai bánh với cách thức "kiến tha lâu cũng đầy tổ" hay còn gọi là "tích tiểu thành đại" để bằng mọi cách hợp thức hoá phế liệu lậu. Như vậy, dù cách nào phế liệu lậu vẫn ùn ùn đổ về Việt Nam. Đặc biệt, ở đây không chỉ mua bán sắt hay giấy vụn mà ở đây còn rất nhiều loại rác thải độc hại khác.

Việc người dân lợi dụng đường mòn, đường bờ ruộng rồi dùng xe máy, xe đạp vận chuyển phế liệu đang là thực tế nhức nhối ở nhiều tỉnh biên giới Tây Nam. Cũng theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, chỉ riêng tại một xã biên giới của huyện đã có 15 doanh nghiệp được cấp phép thu mua phế liệu. Vậy những thứ được gọi là phế liệu trong các vựa thu mua ven biên giới có những gì.

Bên trong cơ sở kinh doanh phế liệu biên giới có gì

Tại vựa phế liệu nằm ngay ven biên giới thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, phế liệu được gom từ nhiều nguồn khác nhau, đủ chủng loại được chất đống la liệt. Theo chủ vựa kinh doanh phế liệu, đơn vị của ông được cấp phép kinh doanh từ nhiều năm nay, tuy nhiên hầu hết phế liệu đều được đưa từ Campuchia vào Việt Nam.

Dù gọi là vựa nhưng phế liệu ở đây không hề được che đậy và dĩ nhiên không hề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Như vậy, có thể thấy, ở đây không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, phòng chống cháy nổ. Nếu vựa phế liệu nào cũng giống vậy, chứa đầy đủ các loại phế thải, cao su độc hại mà không quan tâm đến môi trường thì những nơi đây đang hàng ngày, hàng giờ tiếp tay cho đưa rác thải độc hại về Việt Nam.

Có hay không sự tiếp tay biến phế liệu lậu thành hợp pháp

Không hoá đơn, giấy tờ, vận chuyển nhỏ lẻ, canh thời gian là những chiêu trò mà người đi thu phế liệu đang sử dụng để qua mặt cơ quan chức năng bởi họ biết khi phát hiện, bắt giữ, việc xử lý cũng không đơn giản.

Sở dĩ có tình trạng nhập lậu phế liệu từ Campuchia về Việt Nam theo quy luật "chỗ dư lấp nơi thiếu" vì ở Campuchia nguồn hàng rất lớn nhưng lại không có nhà máy sản xuất, tái chế, trong khi đó, ở Việt Nam nhu cầu về phế liệu vẫn đang còn rất cao dẫn đến chênh lệch giá thành, tạo ra nguồn lợi có thể gấp đôi giữa việc thu mua. Vì thế, các vựa ở Việt Nam mặc dù được cấp phép kinh doanh chỉ cho thu mua trong nội địa, nhưng các vựa ở ven biên giới đã có chiêu thức tiếp tay cho việc vận chuyển phế liệu trái phép đó là chủ vựa phế liệu cho rằng, người dân mang bán thì mua chứ không đi sang Campuchia thu gom.

Theo thống kê chưa đầy đủ hàng ngày mỗi vựa đã thu mua vào hàng chục tấn phế liệu. Cứ thế nhân lên cho hàng chục vựa, mỗi ngày ở Tây Ninh đã thu mua hàng trăm tấn. Lý giải về việc tại sao lại cấp phép cho quá nhiều, đại diện cơ quan chức năng Tây Ninh cho biết, cấp phép là chỉ cho thu mua phế liệu trong nội địa. Vì lẽ đó nên các chủ vựa chỉ ngồi một chỗ với thông điệp, ai mang đến sẽ mua.

Một cách lách luật dễ dàng như vậy nên hiện tượng các doanh nghiệp thu mua phế liệu ven biên giới thay nhau mọc lên dù khu vực biên giới chẳng có mấy người dân sinh sống. Đây cũng là nơi tiếp tay hoàn hảo cho phế liệu nhập lậu tràn qua biên giới vào Việt Nam. Dù việc cấp phép cho kinh doanh phế liệu là để thu gom lượng rác thải làm trong sạch môi trường nhưng với cách làm của các vựa kinh doanh phế liệu vùng ven biên giới lại hoàn toàn đi ngược với mục tiêu chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.