Khi nói đến TP.HCM, người dân thường hay nói đến một thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước với những đóng góp thể hiện ở nhiều con số mang tính định lượng như: tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài hay kim ngạch xuất nhập khẩu.
Sau ngày 30/4/1975, TP.HCM có hơn 4 triệu dân, đông nhất trên cả nước. Theo cơ chế, TP.HCM sẽ được Bộ Lương thực cung cấp gạo nhưng không đủ. Trong khi TP.HCM bị thiếu lương thực nghiêm trọng, dân đói, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lại có nhiều cánh đồng lúa chín vàng. Tại thời điểm này, cơ chế tập trung, bao cấp đã không cho phép TP.HCM tự thương thảo mua lương thực của nông dân, nhưng câu chuyện "xé rào" đã xảy ra.
Đầu thập niên 90, thành phố muốn phát triển mở rộng về phía Nam nhưng không có nguồn lực. Thành phố đã nghĩ đến cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh huyết mạch của vùng, đổi lấy một phần đất cho nhà đầu tư, nay là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây là một trong những cách để TP.HCM phát triển vào thời điểm đó và chỉnh trang đô thị trong thời kỳ sau.
Sự phát triển của hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông có thể được xem là những hình ảnh dễ thấy nhất cho sự đổi thay, phát triển của một thành phố, và TP.HCM cũng không ngoại lệ. 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, TP.HCM hôm nay đã có những thay đổi rõ rệt khi không chỉ mở rộng về diện tích, tăng về dân số mà còn là những hệ thống công trình giao thông với tầm nhìn xa, tạo đà cho thành phố phát triển không chỉ trong hiện tại mà còn cả ở tương lai.
Sau tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - hầm vượt sông Sài Gòn, TP.HCM đã có thêm nhiều công trình lớn, nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhà ga Metro đầu tiên của Việt Nam đã hiện diện ngay tại trung tâm TP.HCM. Dự kiến, đầu năm 2021, tuyến metro đầu tiên của Việt Nam này sẽ vận hành thử nghiệm, khởi đầu cho 8 tuyến giao thông ngầm của TP.HCM. Công trình từ nguồn đầu tư công này cho thấy quyết tâm và cam kết của TP.HCM trước Chính phủ, trước nhân dân, tiếp tục đưa thành phố phát triển bền vững, hiện đại, tiếp nối hành trình của 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, cũng chính là từ bước khởi đầu đột phá của dự án tuyến đại lộ Đông - Tây cách đây 20 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!