Dù mới là thời điểm đầu mùa hạn hán và mặn xâm nhập, hiện nay gần như cả vùng ĐBSCL đã bị tác động khi nước mặn vào sâu đến cả trăm km tính từ cửa biển. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự báo và chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó, đến nay thiệt hại do hạn hán và mặn xâm nhập tại miền Tây vẫn thấp hơn so với 4 năm trước.
Theo nhiều nông dân, diễn biến của mặn xâm nhập năm nay quá nhanh và bất ngờ, hơn cả những gì đã chứng kiến vào năm 2016. Không tránh khỏi tác động của nước mặn, nhưng từ 2 năm nay, ông Lê Văn Lương (ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã đỡ lo hơn khi chuyển từ lúa sang trồng dứa. Nhờ trữ nước trong mương, ông có thể cầm cự thêm nhiều ngày, chờ nước ngoài sông giảm độ mặn để bơm vào. Nhiều nông dân khác ở đây hoặc chuyển đổi cây trồng như ông, hoặc tiếp tục trồng lúa nhưng cắt vụ và xuống giống sớm để né mặn.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, một trong những địa phương ven biển chịu tác động của mặn xâm nhập từ rất sớm, hàng trăm trạm bơm đã hoạt động hết công suất từ vài tháng nay. Tại các cống chủ lực, việc kiểm tra nồng độ mặn được thực hiện 2 tiếng/lần, thậm chí là nhiều hơn.
Chủ động và sẵn sàng ứng phó cũng là tâm thế chung của cả vùng ĐBSCL trước mùa hạn hán và xâm nhập mặn năm nay. Tuy thiệt hại vẫn ở mức thấp so với những gì đã từng xảy ra nhưng không địa phương nào sớm lạc quan vì mùa khô năm nay được dự báo vẫn còn kéo dài và gay gắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!