ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp khẩn trương ứng phó với hạn mặn

Thanh Chương - Phú Cường Nguyên Du - Lý Của (VTV9)Cập nhật 07:00 ngày 25/12/2019

VTV.vn - Dự báo, hạn mặn năm nay sẽ khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016. ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng này.

Tại địa điểm nằm cách cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khoảng 75km, trong đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016, mặn đã xâm nhập sâu qua đây. Theo các nhà khí tượng, năm nay mặn cũng sẽ vượt qua mốc này, có thể uy hiếp vùng trung tâm thành phố Cần Thơ. Theo Tổng cục Thủy lợi, từ giữa tháng 12/2019, xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền 40 - 50km, cao hơn năm 2016 khoảng 3 - 5km. Vào tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4o/oo xâm nhập sâu vào đất liền 55 - 110km, cao hơn từ 3 - 7km so với năm hạn mặn lịch sử.

Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh thành của ĐBSCL gồm: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Bên cạnh đó, dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL rất hạn chế, có khả năng thiếu hụt khoảng 30 - 45%. Do đó, hạn hán sẽ gay gắt và khả năng bù nước ngọt cho các vùng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người cho rằng ĐBSCL không thể thiếu nước ngọt. Điều này chỉ đúng khi người dân nơi đây có giải pháp trữ nước ngọt vào mùa khô hạn. Ngay thời điểm này, khi nước chưa nhiễm mặn, chính quyền các địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, đang khẩn trương nạo vét kênh mương dẫn nước ngọt vào nội đồng dự trữ. Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn như: nạo vét kênh Nàng Rền, Tam Sóc - Bố Thảo, xây mới cống Ngan Rô, Ba Rẹt, đê biển Vĩnh Châu với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi đã đầu tư cũng như rà soát, vận hành hiệu quả các cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt, chủ động nguồn nước sản xuất và sinh hoạt.

Chủ động phòng tránh hạn mặn, năm nay các tỉnh thành đã điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm hơn mọi năm từ 10 - 15 ngày. Do đó, công tác ứng phó cũng nhẹ lo hơn phần nào. Riêng với diện tích đến nay chưa xuống giống, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên cắt vụ.

Không chỉ đảm bảo sản xuất, các tỉnh ven biển ĐBSCL còn phải giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016, nhiều giải pháp đã được triển khai để đưa nước sạch đến với những vùng khó khăn. Tỉnh Sóc Trăng đã nâng cấp, mở rộng 720km ống cấp nước, xây mới 3 trạm. Còn tỉnh Tiền Giang triển khai phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho 100% hộ dân, kể cả mở vòi nước công cộng phục vụ bà con. Ngoài nỗ lực cung cấp nước sạch, các địa phương khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, nhất là giữ vệ sinh nguồn nước đảm bảo phục vụ tốt cho bà con vùng hạn mặn.

Dự báo hạn mặn năm nay sẽ tương đương, thậm chí gay gắt hơn đợt hạn mặn lịch sử cách đây vài năm. Do vậy, người dân ở các vùng có nguy cơ cao phải chủ động ứng phó, thích nghi bởi chỉ cần 1 giờ, 1 ngày chủ quan, lơ là với hạn mặn, những thiệt hại nặng nề về sản xuất, sinh hoạt có thể sẽ xảy ra.


Để cây lúa sống chung với hạn mặn, không ảnh hưởng đến năng suất Để cây lúa sống chung với hạn mặn, không ảnh hưởng đến năng suất

VTV.vn - Nhiều nông dân ĐBSCL đã áp dụng các biện pháp trồng lúa khoa học, chọn giống thích hợp để cây lúa có thể sống chung với hạn mặn mà không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.