Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó, tích cực tìm hướng đi mới trong dịch COVID-19

Thanh Tùng - Chinh Vũ - Đức Dương (VTV9)Cập nhật 21:39 ngày 20/04/2020

VTV.vn - Kinh tế suy thoái do dịch bệnh COVID-19, nhưng đây cũng là lúc để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm hướng đi mới cho mình.

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có 35.000 doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, con số doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số lượng đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp trụ lại trước đợt suy thoái kinh tế lần này cũng đang lao đao.

Theo kết quả một khảo sát mới do nhóm cộng đồng EOs Supportive Community thực hiện, có đến 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh thu đã giảm từ 70 - 100%. VCCI cho biết, 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài và phức tạp, có đến một nửa số doanh nghiệp cho biết họ chỉ trụ được nửa năm.

Với tình cảnh đầy khó khăn như hiện nay, việc trụ lại được trên thị trường là không đơn giản. Các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để tự cứu mình trước khi được người khác cứu. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để những giải pháp tự cứu mình đó không chỉ mang tính cầm cự, ngắn hạn mà còn phải tạo ra các giá trị về dài hạn. Theo các chuyên gia, sự dài hạn, bền vững không được đo đếm bằng từng sản phẩm hay từng chương trình kích cầu mới của doanh nghiệp mà phải được thể hiện qua tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo chuyên gia bán lẻ Phạm Thái Bình, những xu hướng không thể đảo ngược như: áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh để cắt giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng suất sẽ càng được đẩy nhanh trước sức ép mà dịch bệnh đang tạo ra. Việc các doanh nghiệp tận dụng thời cơ này để tăng tốc chuyển đổi số cũng sẽ là giải pháp tự giải cứu có giá trị dài hạn sau dịch.

Ông Lý Quý Trung, nguyên sáng lập viên chuỗi Phở 24, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhận định, để đảm bảo tính bền vững, dài hạn, giải pháp tự cứu mà các doanh nghiệp đang làm cần bám sát vào một nguyên tắc, đó là sự tập trung. Ngoài việc tập trung và không đầu tư tràn lan, ông Trung cho rằng hậu dịch bệnh, nền kinh tế thế giới sẽ mãi mãi không còn như cũ. Do đó, tư duy của người kinh doanh cũng cần đổi mới ngay từ bây giờ, để không trở thành những người lạc hậu sau dịch bệnh.

Sự nhanh nhạy với thị trường, năng động, sáng tạo có vai trò quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong thời điểm này, không kém gì các giải pháp hay gói hỗ trợ từ Chính phủ. Dù khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam vẫn phần nào thể hiện được thái độ tích cực, chủ động ứng phó với ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Không chỉ ở Việt Nam, tại tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, nhiều doanh nghiệp cũng đang rơi vào cảnh khó khăn. Việc nhanh chóng thích nghi, triển khai các ý tưởng mới đang là lợi thế cạnh tranh hiện nay. Nắm bắt được những nhu cầu đặc biệt trong khoảng thời gian này và ngay lập tức ra mắt sản phẩm hay dịch vụ phù hợp là hướng đi của nhiều doanh nghiệp.


Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau dịch COVID-19 Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau dịch COVID-19

VTV.vn - Sau gần 1 tháng thực hiện Thông tư 01 của Chính phủ, hàng loạt ngân hàng đã bắt đầu triển khai hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.