Khoảng thời gian từ tháng 9 - 11 là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng cao. Chỉ riêng tại các trường học ở TP.HCM, đã có đến 85 ổ dịch, trong đó 1 quận có đến 6 trường thông báo có ca mắc tay chân miệng.
Trường mầm non Ban Mai là 1 trong 4 trường học tại quận 4, TP.HCM có trẻ mắc tay chân miệng. Tuy số lượng không nhiều nhưng các ca mắc lại rải rác ở tất cả khối lớp. Mặc dù trẻ đã quay trở lại lớp học sau 14 ngày cách ly nhưng tình hình sức khỏe của các bé vẫn được giáo viên theo dõi sát. Còn tại địa bàn quận Bình Thạnh, từ giữa tháng 9 đến nay, có đến 6 trường thông báo có ca mắc tay chân miệng. Thay vì chỉ xuất hiện từ 2 - 4 ca bệnh/trường như thông thường, năm nay có trường học ghi nhận đến 24 ca mắc.
90% trẻ mắc bệnh tay chân miệng dưới 3 tuổi. Thay vì ưu tiên hướng dẫn trẻ và người chăm sóc trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân tránh để dịch bệnh lây lan, nhiều trường học lại chỉ tập trung vào việc khử khuẩn, vệ sinh phòng học. Việc phòng chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất vẫn là ngăn ngừa sự lây lan từ người sang người. Vì thế, các trường học cần phải chủ động trong việc kiểm soát dịch bệnh, thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện sớm trẻ mắc bệnh để cách li. Các ca có dấu hiệu nghi ngờ phải được thông báo sớm đến cơ sở y tế gần nhất. Để làm được điều này, nỗ lực từ phía nhà trường là không đủ.
Hầu hết ca bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ và sẽ tự khỏi nếu được phát hiện, điều trị sớm và đúng tại nhà. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ. Biện pháp này chỉ đạt hiệu quả khi mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ sở nuôi dạy trẻ tự giác thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!