Hàng trăm hộ dân phải "ở trọ" trên đất của mình

Quỳnh Mai (VTV9)Cập nhật 07:54 ngày 18/01/2020

VTV.vn - Hàng trăm hộ dân phát hiện, đất của mình đã được làm sổ đỏ, nhưng lại đứng tên những người hoàn toàn xa lạ. Chuyện như đùa này lại đang diễn ra ở quận Thủ Đức, TP.HCM.

Năm 2003, Công ty Đại Hải (trước đây là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng KN) và chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP.HCM (sau đổi tên thành Công ty ANI) hợp tác, tiến hành phân chia đất để kinh doanh. Cụ thể, theo biên bản ký kết giữa 2 bên thì Đại Hải thụ hưởng 40% diện tích đất kinh doanh, ANI thụ hưởng 60% diện tích đất kinh doanh trong tổng diện tích đất dự án. Đến nay, 2 đơn vị hầu như đã bán hết tất cả các nền.

Năm 2017, thông qua hợp đồng chuyển nhượng từ khách hàng cũ, cũng như sự đồng ý từ công ty ANI, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai chính thức sỡ hữu nền đất số 4, lô P.

Tuy thuộc phần thụ hưởng của công ty ANI nhưng trên pháp lý, chủ đầu tư là công ty Đại Hải, nên việc ra sổ đỏ lô đất này vẫn thuộc quyền hạn công ty Đại Hải. Dù nhiều lần yêu cầu, thế nhưng mong muốn của bà Mai vẫn bị phớt lờ. Tháng 6/2019, khi đến văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức hỏi thông tin, bà Mai bất ngờ biết được, đất của bà đã được ra sổ đỏ từ năm 2018, nhưng là đứng tên một người xa lạ.

Khác với bà Mai, gia đình bà Tuyết đã mua đất từ năm 2009, cũng đã xây nhà ổn định cuộc sống từ lâu. Điểm chung của 2 gia đình là đến nay họ vẫn chưa có được sổ đỏ.

Bức xúc lớn nhất của bà Tuyết và 11 hộ khác tại lô J lúc này, đó là phát hiện việc chủ đầu tư Đại Hải đã ủy quyền cho bên thứ 3, đem sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng vay 70 tỷ đồng từ năm 2012. Đến nay, do không trả được nợ, ngân hàng đề nghị đã phát mãi.

Điểm chung của hàng người dân khu dân cư Sông Đà lúc này, là phải treo những bảng "đất đang tranh chấp" để tránh trường hợp bị mất trắng tài sản.

Nhận thấy tình hình phức tạp, đến cả UBND phường Hiệp Bình Chánh mới đây cũng đã phải cắm biển thông báo nghiêm cấm chuyển nhượng, thế chấp... trong phạm vi dự án.

Nhận tiền đầy đủ từ hàng trăm hộ dân trong suốt hàng chục năm qua, thế nhưng, đến khi được các cơ quan chức năng cấp sổ đỏ, công ty Đại Hải lại tự ý chuyển nhượng cho người khác. Hậu quả để lại, là những người đã mua trước thì đang sống dở chết dở với nguy cơ bị mất đất bất kỳ lúc nào. Còn người mua sau thì cũng không thể đến ở hay giao dịch được, vì đang là đất tranh chấp, đã có người mua trước sinh sống ổn định từ lâu. Trách nhiệm của chủ đầu tư ở đâu?

Giấy cam kết được ông Ngô Xuân Trường, giám đốc Công ty Đại Hải ký với bà Mai vào ngày 1/7/2019 thể hiện rõ, đơn vị này công nhận sự sở hữu hợp pháp của gia đình bà Mai với nền đất số 4, lô P. Việc tự ý ra sổ đỏ cho người thứ 3 là hoàn toàn sai trái. Đơn vị cam kết 15 ngày sau sẽ cấp lại quyền sở hữu hợp pháp cho bà Mai. Thế nhưng, trường hợp của bà Mai cũng giống như nhiều hộ được viết cam kết khác. Tới hẹn, công ty Đại Hải bặt vô âm tín.

Theo người dân, công ty Đại Hải giờ đã đóng cửa, không còn ai. Điện thoại cho ông Trường thì không liên lạc được.

Theo luật sư Nguyễn Thị Kiều Anh, Đoàn luật sư TP.HCM, người đại diện pháp luật cho các hộ dân tại Khu dân cư Sông Đà, chủ đầu tư Công ty Đại Hải có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Cũng theo luật sư Kiều Anh, hiện nhiều người dân đã làm đơn khởi kiện tại Tòa án quận Thủ Đức. Một số hồ sơ cũng đã được tiếp nhận, thụ lý.

Về phía công ty ANI, đơn vị này cho biết họ cũng là nạn nhân của công ty Đại Hải, bởi toàn bộ tiền thu được từ khách hàng, họ đã chuyển giao đầy đủ cho phía Đại Hải. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa được chi trả bất cứ một khoản lợi nhuận nào. Lần cuối họ liên hệ được với ông Trường và công ty Đại Hải là đầu tháng 12/2019. Đến nay, mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Hiện công ty ANI cũng đã làm đơn khởi kiện công ty Đại Hải ra tòa./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.