Là một trong những địa phượng chịu ảnh hưởng của sạt lở, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều công trình, gia cố những đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, nhược điểm của các công trình này là chi phí cao.
Trên một đoạn kè mềm chống sạt lở bờ sông do tỉnh Đồng Tháp thử nghiệm tại điểm sạt lở ven bờ sông Cần Lố, huyện Cao Lãnh, công trình có chiều dài khoảng 40m với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng. Kè có cấu tạo gồm túi ống geotube, bao cát sinh thái và vật liệu cát tại chỗ. Kết cấu chung của kè gồm các bộ phận: lấp hố xoáy sâu, hàm ếch, gia cố chân kè, phục hồi mái kè, thân đường giao thông và trồng cỏ chống sạt lở. Công nghệ kè mềm này do Viện Đổi mới Công nghệ Thủy lợi Mekong nghiên cứu chuyển giao cho Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng. Sau đó, công ty đã tổ chức thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp nhằm hỗ trợ địa phương gia cố những điểm sạt lở.
Ưu điểm của loại kè này là chi phí thấp hơn từ 40 - 70% so với kè cứng. Nếu không có tác động đặc biệt, công trình có thể sử dụng trong 20 năm. Đại diện tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao những ưu điểm của loại kè mềm sinh thái này. Nếu thử nghiệm thành công tại bờ sông Cần Lố, địa phương sẽ xem xét triển khai ở một số điểm sạt lở khác.
Hiện một số địa phương như: các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM cũng đang triển khai kè mềm sinh thái. Trong lúc sạt lở diễn ra dữ dội ở ĐBSCL, phương án sử dụng kè mềm sinh thái với giá thành rẻ, thân thiện với môi trường cần được tính đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!