Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra đề nghị trên tại diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam". Đây chính là định hướng chính xác bởi đã có những mô hình kết nối như vậy được hình thành xuất phát từ nhu cầu "đói" lao động kỹ thuật phù hợp của các doanh nghiệp với cầu nối của Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM.
Điều khó hàng đầu của một doanh nghiệp không phải là nguồn vốn đầu tư công nghệ mà là việc tìm ở đâu công nhân kỹ thuật để có thể vận hành và làm chủ hệ thống. Đây cũng là khó khăn chung của 43 doanh nghiệp tại TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An tham gia Chương trình đổi mới đào tạo nghề gắn kết giữa doanh nghiệp và trường nghề với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Điều khó này đã được tháo gỡ với mô hình thí điểm được thực hiện từ năm 2016. Phần lớn doanh nghiệp đều cho rằng, mô hình này là hiệu quả khi quá trình đào tạo ở nhà trường là rất cơ bản cả về kỹ năng và phẩm chất cho người lao động, còn doanh nghiệp có thế mạnh tiếp cận công nghệ.
Tuy nhiên, chỉ có hơn 1/3 doanh nghiệp tham gia khẳng định sẽ tiếp tục tham gia và mở rộng mô hình hợp tác. Do đó, hiệp ước xã hội về đào tạo nghề còn cần phải được xem xét về hành lang pháp lý để có được cam kết dài hạn của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến sự thành bại của công cuộc phát triển của một quốc gia trong quá trình chuyển đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!