Khánh Hòa: Nguy cơ ngưng sản xuất 10 ngàn ha lúa Hè Thu do nắng hạn

Tấn Quýnh, Duy Hoàng (VTV9)Cập nhật 14:42 ngày 28/04/2020

VTV.vn - Nỗi lo lớn nhất lúc này ở các tỉnh Nam Trung Bộ là đất sản xuất bị bỏ hoang do nắng hạn. Đất bị bỏ hoang chắc chắn kéo theo hàng loạt hệ lụy trong cuộc sống của người dân

3 tháng trước, đậu phộng được gieo xuống. Khi đó, ông Nguyễn Văn Quế (H.Cam Lâm) đã biết trước sẽ gặp nắng hạn. Nhưng, nắng hạn đã gay gắt hơn cả dự đoán. Ruộng đậu phộng có trồng mà chẳng có ăn. Mọi khi, năng suất được 4 tạ mỗi sào 1000 m2 thì nay còn không quá một nửa.

Sau vụ sản xuất thất bát, những nông dân như ông Quế tiếp tục đối mặt với cảnh đất bỏ hoang. Ở cánh đồng xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này, hầu như không ai hy vọng là sẽ gieo trồng được gì nếu không có nguồn nước tưới.

Hơn 500 ha đất canh tác xã Cam Hiệp Nam, dù nông dân đã cày đất, chuẩn bị giống nhưng cuối cùng đành phải bỏ đất hoang. Không thể bỏ làng đi nơi khác tìm việc làm thuê bởi từ khi xảy ra dịch Covid-19, công ăn việc làm chẳng còn.

Vậy là nhiều người, để không rơi vào cảnh nhàn rỗi trong khi đất bỏ hoang, thì chỉ còn cách là phải chống hạn. Người thì đào giếng, người thì vét ao. Nhưng cái khó lúc này, nguồn nước trong những giếng, những ao như thế này, chỉ đủ bơm tưới một vài giờ. Để tăng nguồn nước, buộc phải nạo vét ao, đào thêm giếng, trong khi đồng tiền trong các gia đình đã eo hẹp.

Hiện tại, 19 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với dung tích 250 triệu m3, lượng nước còn không quá một nửa, nguy cơ phải ngưng sản xuất đến 10 ngàn ha lúa Hè Thu. Đối với những vùng sản xuất cây trồng cạn, cây lâu năm, mong mỏi lúc này của người dân là được hỗ trợ kinh phí chống hạn. Những khoản tiền để mua dầu cho máy bơm tưới, để nạo vét ao hồ...thực sự tiếp sức cho người dân vùng hạn để giảm bớt cảnh phải bỏ hoang đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.