Làng nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây từng có hơn 140 cơ sở, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động. Tuy nhiên, năm nay nước lũ chưa về, nhiều người đã phải bỏ nghề. Chỉ còn vài hộ cố gắng duy trì cái nghề mà cha ông để lại hàng trăm năm qua.
Không chỉ các làng nghề đìu hiu. Không có lũ, những mô hình nuôi thủy sản mùa nước nổi cũng điêu đứng theo. Thời điểm này năm ngoái nơi đây là cả một cánh đồng ngập nước. Người dân tận dụng diện tích mặt nước để nuôi tôm. Còn hiện tại, nước vẫn chưa về, tôm thì chỉ có thể được nuôi tạm trong những chiếc ao nhỏ và cũng không thể phát triển được.
Tận dụng nước lũ để nuôi tôm là một trong nhiều mô hình sinh kế mùa lũ được áp dụng khá thành công tại nhiều địa phương vùng đầu nguồn sông Cửu Long vào những năm trước, khi có lũ về. Tuy nhiên, năm nay lũ về thấp và thậm chí có khả năng không về nên những người đầu tư theo mô hình này phải chịu thiệt hại nặng. Điều đáng nói là dù gắn bó lâu năm với vùng sông nước nhưng họ vẫn không kịp trở tay trước những thay đổi bất thường của tự nhiên.
Lũ về có thể gây thiệt hại nhưng thiệt hại đó không thấm vào đâu so với những lợi ích mà lũ mang lại. Bao đời nay, người dân vùng đầu nguồn đã sống quen với lũ. Và giờ nếu không có lũ, họ cũng chỉ biết cố chờ đến mùa nước năm sau.
Có thể thấy, tình hình lũ thấp năm nay không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân vùng đầu nguồn mà còn gây ra nguy cơ xâm nhập mặn gay gắt cho các tỉnh ven biển ĐBSCL. Thiệt hại là không thể tránh khỏi, tuy nhiên hoàn toàn có hạn chế được đáng kể nếu công tác dự báo được thực hiện tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!