Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – một số vấn đề đặt ra

Nguyệt Hà (VTV9)Cập nhật 11:22 ngày 06/06/2020

VTV.vn - TP.HCM đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông với nhiều lợi thế có sẵn.

Đây vốn không phải là chuyện mới. Ý tưởng thành lập Thành phố phía Đông đã được TP.HCM trình lần đầu tiên trong Đề án chính quyền đô thị năm 2013 - thành lập 4 thành phố vệ tinh ở 4 hướng. Tuy nhiên, ý tưởng này không được trung ương chấp thuận. Trong buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, TP.HCM đã tiếp tục kiến nghị vấn đề này. Lần này các thành viên Chính phủ đồng tình. 3 quận này đang tích hợp nhiều lợi thế sẵn có để hình thành lên một mô hình đầu tiên của cả nước, thành phố trực thuộc thành phố.

Quận 9 có khu công nghệ cao - nơi có mật độ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất nước, đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghệ cao của toàn thành phố, đạt 17 tỷ đô la Mỹ. Quận Thủ Đức tập trung 15 trường đại học, 60.000 sinh viên – là trung tâm lớn nhất về trình độ đại học, nghiên cứu khoa học. Và Quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm – định hướng là trung tâm tài chính của khu vực. Dự kiến, thành phố phía Đông sẽ có diện tích hơn 200 km2, dân số hơn 1,1 triệu người, chiếm 10% dân số toàn thành phố.

Hạ tầng kỹ thuật khu Đông sẵn có và đang dần hoàn thiện với xa lộ Hà Nội, cao tốc Long Thành Dầu Giây, tuyến Metro số 1, đường Phạm Văn Đồng... Dù đang được quy hoạch lên thành phố nhưng khu Đông đã có sự xuất hiện đại dự án khu đô thị thành phố thông minh đầu tiên của TP.HCM với 4 trục cốt lõi gồm: an ninh thông minh, vận hành thông minh, cộng đồng thông minh theo quy hoạch phát triển của thành phố. Khu Đông còn sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nếu được thông qua, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Dù là mô hình đầu tiên, chưa có tiền lệ nhưng vẫn phù hợp với quy định. Tuy chưa có tiền lệ nhưng nó đã là mô hình đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ví dụ như thành phố mới La De France của Paris, Gang Nam của Seoul, hay gần chúng ta như khu Phố Đông thuộc thành phố Thượng Hải – Trung Quốc.

Cách đây 30 năm, khu Phố Đông – Thượng Hải chỉ là bãi đất trống, nhà thấp tầng… Nhưng giờ là những tòa nhà chọc trời, quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu tại khu trung tâm tài chính Lục Gia Thủy, nằm bên bờ sông Hoàng Phố.

Ngay từ những ngày đầu, khu Đông được quy hoạch đầy đủ các khu chức năng như: khu sân bay (cảng biển) quốc tế, khu thương mại tài chính, khu chế xuất, công nghiệp, khu công viên khoa học, khu triển lãm kinh tế kỹ thuật… Đề án quy hoạch như thế đã tạo nên một thế mạnh tổng hợp cho Phố Đông. Điều đáng chú ý, đề án quy hoạch này được chính quyền Thượng Hải tuân thủ nhất quán suốt gần 30 năm qua.

Ngoài ra, với nhiều chính sách thu hút đầu tư đổi mới theo tư duy thị trường, như giao quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm cho cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh hợp tác công tư, rút gọn thủ tục chấp thuận đầu tư trong và ngoài nước chỉ còn 7 ngày… đã giúp kinh tế khu vực này phát triển nhanh chóng, đóng góp hơn một nửa ngân sách cho thành phố Thượng Hải với con số hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm, giúp Thượng Hải hiện trở thành là 1 trong 5 trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới.

Quy hoạch đúng và tuân thủ quy hoạch là yếu tố cực kỳ quan trọng để có một Phố Đông Thượng Hải như ngày nay. Tại TP.HCM, một Ban chỉ đạo xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông hay còn gọi là thành phố phía Đông đã được thành lập, gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đứng đầu, có nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông. Theo nhiều chuyên gia, thành phố cần rút kinh nghiệm từ những mô hình sáng tạo, tiên phong trước đây chưa thành công để thực hiện đề án này.

Việt Nam đã có mô hình thành phố trong tỉnh trực thuộc trung ương nhưng chưa có mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương. Hai mô hình này có bản chất khác nhau nên không thể tư duy quản trị theo kiểu truyền thống mà cần được phát triển tự chủ hơn. Và theo nhiều chuyên gia, mô hình sẽ thất bại nếu có tư duy nhiệm kỳ.

Để chuẩn bị cơ sở pháp lý và sớm hiện thực hóa để trình ra Quốc hội, TP.HCM vừa giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành. Tất cả phải hoàn thành trước ngày 30/6/2020.

TP.HCM được mệnh danh là thành phố năng động, tiên phong đi đầu trong các sáng kiến, các quyết định "xé rào" để mang đến các mô hình kinh tế đột phá, được nhân rộng cho cả nước. Điển hình là khu chế xuất đầu tiên trong cả nước – Khu chế xuất Tân Thuận, sau đó là khu chế xuất Linh Trung, khu đô thị mới Nam Sài Gòn, công viên phần mềm Quang Trung… Do đó, kiến nghị thành phố phía Đông tiếp tục thể hiện tính tiên phong của thành phố trong việc khơi dậy các ý tưởng, mang đến các cải cách mới không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả nước.

Làm gì để hiện thực hóa giấc mơ 'Thành phố phía Đông'? Làm gì để hiện thực hóa giấc mơ "Thành phố phía Đông"?

VTV.vn - Mô hình "thành phố trong thành phố" liệu có cơ sở để thực hiện và sẽ mang lại lợi ích gì cho kinh tế TP.HCM và khu vực nói chung?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.