Muối Bạc Liêu không chỉ là đặc sản ẩm thực, mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa của người dân miền biển. Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trình hồ sơ di sản “Nghề làm muối Bạc Liêu”, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với lợi thế 56 km bờ biển, Bạc Liêu có ruộng muối hơn 1.700 hecta. Ngoài huyện Đông Hải , nghề truyền thống này còn tập trung nhiều ở huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Vì "nặng tình" với biển phù sa nên so với các tỉnh miền Trung thì hạt muối Bạc Liêu không trắng bằng, nhưng chính đặc điểm tự nhiên này đã tạo cho muối Bạc Liêu có hương vị rất riêng: mặn mà không chát đắng, có màu trắng hồng, hạt khô chắc và không tạp mùi.
Diêm dân yêu nghề, còn chính quyền địa phương cũng hết lòng hỗ trợ bà con, từ máy móc, thiết bị đến tiêu thụ sản phẩm và cả xây dựng thương hiệu. Tháng 12/2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm muối Bạc Liêu. Còn tại Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu, hàng năm có khoảng 12 ngàn tấn muối nguyên liệu được tiêu thụ cho diêm dân, qua đó chế biến thành nhiều sản phẩm như muối tinh, muối i ốt, muối xay, hạt gia vị. Từ đây sản phẩm được phân phối khắp các vùng miền và xuất khẩu cả sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu, nghề thủ công truyền thống muốn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể phải đạt 3 giá trị: kinh tế, xã hội và văn hóa. Nghề muối ở Bạc Liêu đã bảo đảm và thể hiện rõ nét các giá trị của một nghề thủ công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!