Phật giáo lần đầu du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong suốt hơn 2.000 năm qua, đạo Phật đã tùy thuận và thích nghi với lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của người Việt. Theo triết lý của nhà Phật, mục tiêu của tu hành là để giác ngộ và giải thoát. Để đạt được mục tiêu đó, đạo phải gắn với đời. Chính vì lẽ đó, trong thời gian qua, rất nhiều đạo tràng, chư tăng đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, Phật giáo ngày càng chú trọng tới các hoạt động bảo trợ thường xuyên mang tính bền vững như: xây dựng hệ thống mái ấm, cơ sở giáo dục và y tế trong sân chùa, ở nhiều nơi đã có thời gian hoạt động lên tới 40 - 50 năm.
Như vậy, việc giúp người, giúp đời cũng chính là giúp mình và trở thành một lẽ tự nhiên trên con đường giác ngộ Phật giáo. Đến cuối năm 2018, trên cả nước có 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, 43 phòng khám đông y và tây y. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, tăng ni, Phật tử đã đóng góp hơn 700 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện xã hội, một con số kỷ lục trong các báo cáo hàng năm của giới Phật giáo từ trước tới nay. Đề cao tinh thần hướng thiện một cách thực tế thông qua việc sẻ chia những đau khổ, mất mát, cứu giúp con người khi hoạn nạn, các đạo tràng, chư tăng ngày càng dấn thân, tăng cường tính hệ thống, kết nối trong hoạt động an sinh xã hội để làm sao tốt đời, đẹp đạo.
Những hành động, giá trị tốt đẹp không chỉ nằm ở các con số thống kê. Trên thực tế, việc khuyến thiện và hướng thiện không chỉ phát huy tác dụng trong hàng ngũ những tín đồ mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống của nhân dân. Thời gian qua, những giá trị tốt đẹp của giáo lý nhà Phật đang dần lan tỏa trong cộng đồng, tới từng gia đình và mỗi con người. Trong bối cảnh mới, Phật giáo tiếp tục là nhịp cầu nối dài tinh thần nhân văn bác ái bởi trong bất kỳ bối cảnh nào, nền tảng xây dựng một xã hội vững bền chính là đào tạo ra những con người có lối sống và đạo đức đẹp chân - thiện - mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!