Lo lắng và không đồng tình là ý kiến của nhiều người dân về thực trạng biển hiệu bằng tiếng nước ngoài. Xét về luật, những biển hiệu chỉ toàn tiếng nước ngoài hoặc có tiếng Việt nhưng không đúng chuẩn là sai với Luật Quảng cáo và Nghị định 103/2009 do Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ ăn uống nơi công cộng.
Theo kết quả của một buổi kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh tại thành phố Nha Trang do Sở Văn hóa, Thể thao Khánh Hòa phối hợp cùng Công an tỉnh tiến hành cách đây không lâu, tiếng nước ngoài được các chủ cơ sở sử dụng tràn lan không theo một quy định nào, không chỉ trên biển hiệu quảng cáo mà còn dán đè hết chữ tiếng Việt trên các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, không phải ai cũng công nhận cái sai của mình.
Lấy lý do khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, khách du lịch trong nước hiếm khi ghé vào đây mua sắm, sử dụng dịch vụ, các cơ sở kinh doanh chỉ ghi trên bảng hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài hoặc nếu có tiếng Việt thì kích cỡ nhỏ hơn. Chữ nước ngoài càng lớn càng dễ dàng giúp du khách nhận biết giữa một "rừng" dày đặc các loại biển hiệu.
Chủ cơ sở kinh doanh nói không biết, nhưng trên thực tế khi được mời đến để nghe phổ biến về các quy định quảng cáo, họ lại không đi. Cũng từ nguyên nhân này, nhiều cơ sở kinh doanh đã cố tình hoặc vô tình vi phạm Khoản 2 Điều 18 Luật Quảng cáo quy định giới hạn và cách thức sử dụng chữ viết nước ngoài trên các biển hiệu và Điều 34 quy định biển hiệu phải có các nội dung sau: tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hành chính.
Để chấn chỉnh tình trạng biển hiệu quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài tràn lan, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận đã liên tục tuyên truyền, kiểm tra, thậm chí xử phạt và yêu cầu các cơ sở kinh doanh khắc phục. Từ tháng 5/2018 đến hết tháng 6/2019, có gần 700 cơ sở kinh doanh ở thành phố Nha Trang đã bị kiểm tra và gần một nửa cơ sở đó có sai phạm, vi phạm. 228 cơ sở bị buộc phải sửa đổi biển hiệu, bảng quảng cáo, thực đơn viết chữ nước ngoài vi phạm quy định. 71 nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh bị xử phạt.
Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, từ năm 2018 đến nay, đơn vị cùng các địa phương đã phối hợp kiểm tra 100 cơ sở kinh doanh và xử lý 28 trường hợp cố tình không khắc phục các vi phạm sau khi đã bị nhắc nhở nhiều lần. Đến nay, tỷ lệ vi phạm đã giảm 80%.
Mức xử phạt đã có, nhiều cơ sở kinh doanh đã nộp phạt và tiến hành sửa đổi biển hiệu. Điều nhiều người quan tâm là tình trạng này liệu có tái diễn khi lợi ích kinh doanh luôn được các cơ sở kinh doanh đặt lên hàng đầu. Đảm bảo hài hòa lợi ích kinh doanh nhưng giữ gìn được bản sắc tiếng Việt là điều ngành quản lý và chính quyền địa phương hướng đến. Ở đây, bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật, các cấp chính quyền cần tăng trách nhiệm giám sát, không chờ sai phạm diễn ra rồi mới kiểm tra, xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!