Vì ưa chuộng hàng ngoại nên trước đây những sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước gần như không tạo sức hút với chị Trần Thị Ngọc Huyền. Tuy nhiên, hiện tại đã khác. Chị cho biết: "Trước đây hay xài hàng Thái bây giờ chuyển sang hàng Việt vì hàng Việt giờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt giá cả thì vừa với túi tiền của người tiêu dùng."
14.000 đồng là giá bán của một ký đường trắng, thấp hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng. Giá cả phù hợp, hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng chính là yếu tố tạo nên sức hút đối với người tiêu dùng trong nước.
Không chỉ cung cấp hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, các hệ thống bán lẻ tại vùng biên Châu Đốc, An Giang còn phối hợp với địa phương tổ chức nhiều chương trình quảng bá hàng Việt nhằm giới thiệu, kết nối, tìm hiểu, đáp ứng đúng thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Tạ Minh Sơn, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tứ Sơn, Châu Đốc, An Giang chia sẻ: " Chúng tôi chọn lọc những dòng hàng hóa mang tính chất điểm nhấn mà thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng một cách rất chặt chẽ. Sau đó chúng tôi kết hợp với nhà sản xuất cung cấp sản phẩm để người tiêu dùng có sự lựa chọn thỏa đáng."
Đến nay, Châu Đốc đã có hai hệ thống bán lẻ với hơn 400.000 đầu hàng hóa, trong đó hàng Việt chiếm hơn 95%. Con số này tiếp tục khẳng định sức hút của hàng Việt đối với người dân vùng biên và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang phát huy hiệu quả./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!