Thêm một năm mía đường tiếp tục có “vị đắng”

Uyên Phương - Trung Kiên - Hoàng Vũ (VTV9)Cập nhật 09:32 ngày 30/09/2019

VTV.vn - Mía đường đang gặp khó về tiêu thụ, lượng tồn kho là trên 50%. Dự kiến, niên vụ 2019 - 2020, ngành mía đường sẽ tiếp tục suy giảm, diện tích trồng còn khoảng 220.000ha.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm nay dù đã kết thúc niên vụ nhưng đến nay đã hơn 4 tháng, lượng đường tồn kho vẫn ở mức cao, được cho là cao nhất trong các năm trở lại đây.

Sản xuất đường ra nhưng không bán được, thực trạng này không phải vì chất lượng mà do cạnh tranh không lành mạnh, đường phá giá từ con đường nhập lậu. Dù nhiều nhà máy đã đầu tư làm ra được đường luyện, loại đường tốt nhất hiện nay, nhưng vẫn chịu thua. Từ đó, người dân trồng mía tiếp tục gặp khó khăn, những doanh nghiệp chân chính ngành đường cũng đối diện với nhiều thách thức.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra: con đường đưa đường lậu về Việt Nam có dễ dàng, vì sao tình trạng này đã tồn tại hơn 20 năm qua nhưng không xử lý được, có hay không chiêu thức biến hóa đường lậu thành đường nội một cách tinh vi? Trong quá trình điều tra, vây bắt, các cơ quan chức năng đã xác định được một số thủ đoạn "hô biến" hợp pháp của đường cát nhập lậu qua biên giới:

- Thay đổi bao bì, nhãn mác Việt Nam hòng đổi đường ngoại thành đường nội từ bên kia biên giới, kèm theo đó là việc xoay vòng hóa đơn để hợp thức hóa.

- Trộn lẫn đường nhập lậu với đường nội địa để đóng bao bì.

- Hóa lỏng đường cát, chế biến thành đường phèn.

- Lợi dụng trời tối, sự thiếu cảnh giác của cơ quan chức năng, xây dựng các trạm sang chiết đường, nhà kho dọc ven biên giới, ngay sát bờ sông dù ở đó không trồng mía.

- Ngụy trang đường cát lậu trên các thuyền máy, phủ trên đó là quần áo cũ.

Với gần 100km cùng nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông qua lại ở tỉnh An Giang, tất cả đều là địa bàn hoạt động của tội phạm buôn lậu. Vì vậy, dù là mùa khô hay mùa nước nổi, nơi đây luôn là địa bàn thuận lợi để "phù phép" đường ngoại nhập lậu thành đường nội hợp pháp. Các kho chứa hàng buôn lậu mỗi ngày lại đầy lên, đa phần là đường cát. Hầu hết bao bì ở đây đã được hoán đổi từ ngoại thành nội. Lượng đường lậu tăng tỷ lệ thuận với lượng tồn kho của đường trong nước và số đồng mía bị bỏ hoang.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu trong giai đoạn năm 2008, lượng đường nhập lậu chỉ khoảng 100.000 tấn/năm, hiện đường nhập lậu và gian lận thương mại có khối lượng ước tính khoảng 700.000 tấn/năm, tăng gấp 7 lần, với mức giá rẻ. Vì thế, dù lượng cung trong nước không đủ cầu nhưng đường tồn kho ngày càng nhiều.


'Chiêu trò' đưa đường cát nhập lậu qua biên giới An Giang "Chiêu trò" đưa đường cát nhập lậu qua biên giới An Giang

VTV.vn - Để "tuồn" được đường cát nhập lậu vào nội địa tiêu thụ, các đối tượng buôn lậu đã dùng nhiều thủ đoạn từ thay đổi bao bì, nhãn mác cho đến xoay vòng hóa đơn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.