Đã 4 năm nay, anh Trần Văn Sương (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) chỉ nằm một chỗ. Dù cố gắng tập luyện, đôi tay của anh cũng chỉ có thể cử động chút ít, còn lại toàn thân bất động. Anh lại là lao động chính trong nhà, trong ba con của anh một cháu đã phải nghỉ học. Số phận nghiệt ngã ập xuống gia đình này trong một lần anh Sương lặn biển và bị tai biến.
Ở nhiều làng biển tại các tỉnh Nam Trung Bộ, những trường hợp bị tai biến khi lặn biển như anh Sương không phải ít, nặng thì tử vong, nhẹ bị bại liệt. Chỉ tính ở vùng biển tỉnh Bình Thuận, không dưới 40 trường hợp tai biến lặn biển đã xảy ra trong vòng 4 năm qua. Hơn 90% thợ lặn sử dụng dây thở qua máy nén khí đặt trên tàu. Nhiều trường hợp dây thở bị đứt, bị tắc, ngư dân buộc phải lên khỏi mặt nước đột ngột, nghĩa là bị giảm áp đột ngột, tai biến là khó tránh khỏi.
Khuyến cáo đã được đưa ra để phòng ngừa tai biến lặn biển như: ngư dân cần tôn trọng quy tắc về thời gian lặn, độ sâu khi lặn, thời gian nghỉ giữa những lần lặn... Tuy nhiên, rất ít ngư dân biết về những điều này.
Rõ ràng, điều mấu chốt nhất lúc này là cần có những đợt tập huấn, hướng dẫn ngư dân cách phòng ngừa cũng như kỹ năng sơ, cấp cứu nạn nhân tai biến khi lặn biển. Thực tế cho thấy, nếu không xử lý kịp thời, những trường hợp tai biến khi lặn biển rất dễ tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!