Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây dựng với mục tiêu giảm quá tải cho tuyến Quốc lộ 1A. Sau khi khởi động lần 3, dự án đã có những chuyển biến tích cực. Tín hiệu khả quan đầu tiên nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, chính quyền tỉnh Tiền Giang và người dân sẵn sàng giao đất cho dự án.
Sau khi thay thế Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện giải phóng mặt bằng đạt hơn 99%, chỉ còn lại 500m chưa bàn giao. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo địa phương vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường. Địa phương cũng đã chuyển tạm ứng hơn 176 tỷ đồng từ ngân sách cho Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cái Bè để giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng, sớm bàn giao 100% mặt bằng thi công cho doanh nghiệp làm dự án.
Thấu hiểu những mong mỏi, kỳ vọng của người dân trong vùng, các đơn vị thi công đã tập trung nguồn lực để tăng tốc dự án. Nhiều gói thầu đã được đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được điều chỉnh vốn từ 14.700 tỷ đồng trong năm 2014 xuống còn 9.700 tỷ đồng vào năm 2017. Vướng mắc lớn nhất trong việc đầu tư 51km đường nhưng 10 năm chưa xong chính là tình trạng thiếu vốn và hiện nay câu chuyện đó đang lặp lại. Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp đã ứng ra gần 2.300 tỷ đồng để thi công dự án. Phương án tài chính hiện đã được Chính phủ đồng ý trình Quốc hội là bổ sung gần 2.200 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, do chưa được thông qua nên chưa thể ghi vốn chính thức, chưa rõ thời điểm giải ngân. Trong khi đó, nhiều vướng mắc lại nảy sinh, dẫn đến việc có khả năng sẽ khó thu xếp được vốn tín dụng cho dự án. Nguyên nhân là do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp chưa thống nhất được một số điều khoản trong hợp đồng tín dụng.
Dự án đã chậm 10 năm, nhưng hiện nay lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, do vậy dù có nhiều nỗ lực cũng sẽ không thể chịu nổi sức ép về nhu cầu vốn. Viễn cảnh thi công bế tắc đang hiển hiện trước mắt. 18 tháng nữa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải về đích, thời gian không còn dài. Do vậy, Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn cần tập trung tháo gỡ vướng mắc một cách chân thành, chia sẻ và có trách nhiệm. Có như vậy chúng ta mới không lỗi hẹn thêm lần nữa với hàng chục triệu người dân ở khu vực ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!